Giảm 1/3 trong 2,5 triệu biên chế là thắng lợi lớn

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII là thảo luận việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Một trong những nội dung tinh gọn bộ máy được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là: Hiện nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng XHCN, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu có cần đến 2,5 triệu biên chế cho sự nghiệp công lập, dịch vụ hành chính công? Vì thực tế còn có nhiều cách làm khác theo bài toán tối ưu hóa.

Bài toán tối ưu là xã hội hóa dịch vụ công nhưng không thương mại hóa. Hành chính công được xã hội hóa dịch vụ sẽ giảm bớt biên chế và các cơ quan trong bộ máy hành chính công nhưng vẫn kiểm soát được hoạt động và bảo đảm thực hiện đúng pháp luật thì tất nhiên phải làm.

Một đất nước hơn 90 triệu dân nhưng phải sử dụng đến 2,5 triệu biên chế thì tiền thuế nào mà chi đủ được. Chi tiêu công không thể giảm khi phải gánh bộ máy hành chính công quá nặng nề.

Cách mạng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu của thực tế khách quan, quốc gia nào không theo kịp vào “chuỗi giá trị toàn cầu” này thì dứt khoát sẽ bị loại trừ.

Một hệ thống cơ khí ôtô hay máy bay, bắt buộc phải có các linh kiện được cải tiến ở trình độ cao nhất, ai sản xuất được linh kiện theo đúng tiêu chuẩn đó thì sẽ hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hệ thống hành chính công cũng tương tự, luôn có những tiêu chuẩn cao nhất vào thời điểm nhất định và có tính tạm thời nhưng phải chấp nhận bị loại trừ theo quy luật phát triển.

Quốc gia nào tiếp cận được công nghệ hiện đại nhất để vận dụng vào quản trị đã là tốt, nhưng cao hơn là phát minh ra “công nghệ” quản trị mới có chất lượng vượt qua các giá trị hiện tại.

Nếu chúng ta chưa làm được ở mức độ phát minh, thì cũng thụ hưởng được giá trị cao nhất của hiện tại.

Giảm được 1/3 trong 2,5 triệu biên chế là một sự thắng lợi lớn.

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động