Giải quyết tình huống khó xử với đồng nghiệp như thế nào?

(Dân trí) - Đồng nghiệp đề nghị bạn đóng góp tiền, tặng quà cho bạn, mời bạn mua hàng… là một vài trong số những tình huống khó xử mà bạn có thể phải đối mặt trong môi trường công sở.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian ở công sở chiếm hầu hết khoảng thời gian thức mỗi ngày của mọi người. Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi bạn dễ gặp phải những tình huống khiến bạn cảm thấy lúng túng trong khoảng thời gian đó. Dưới đây là một số tình huống như vậy và hướng xử lý để giúp bạn tránh bị rơi vào tâm trạng xấu:

1. Đồng nghiệp kêu gọi bạn đóng góp tiền


Việc đóng góp này có thể là tiền ủng hộ cho hoạt động từ thiện nào đó hoặc để mua quà cho sếp hoặc một đồng nghiệp trong phòng. Nếu bạn nói thẳng ra rằng, bạn không muốn đóng góp vì một lý do nào đó, dù chính đáng, thì người đồng nghiệp đưa ra lời kêu gọi và những người khác có thể có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn.

Lời khuyên ở đây là, cách phản ứng phù hợp của bạn có thể tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Nếu là đóng góp để tặng quà sếp hoặc bạn đồng nghiệp, tốt nhất bạn nên tham gia thay vì từ chối để rồi bị coi là bất hợp tác. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nói là bạn sẽ tặng quà riêng. Còn trong trường hợp kêu gọi đóng góp từ thiện, bạn có thể giải thích là bạn đã thực hiện việc đóng góp ở một nơi khác rồi.

2. Bạn được đồng nghiệp tặng quà


Cho dù bạn được một đồng nghiệp tặng quà và bạn không có gì để đáp lại, hoặc bạn quyết định sẽ tặng quà cho sếp, các món quà tặng (vốn rất phổ biến vào những dịp lễ lạt cuối năm) có thể gây nên những tình huống khó xử. Cho dù bạn không cho là mình có nghĩa vụ phải tặng quà ai đó, sẽ tốt hơn nếu bạn nắm rõ văn hóa ở nơi bạn đang làm việc trước khi quá muộn nếu bạn muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt đồng nghiệp.

Nếu mọi người đều có quà tặng nhau mà bạn lại không, bạn sẽ dễ rơi vào cảnh “muốn độn thổ cho xong”. Nếu có vấn đề về tài chính, bạn có thể tự làm những món quà nho nhỏ nhưng giàu ý nghĩa mà không hề tốn kém để tặng mọi người.

3. Đồng nghiệp bán hàng và mời bạn mua

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều nhân viên công sở chọn cách bán hàng để có thêm thu nhập. Rất có thể họ sẽ mời bạn mua những thứ mà bạn không hề muốn mua hoặc đã có ở nhà. Nếu có điều kiện, bạn cũng nên mua “ủng hộ” một vài món mà bạn có thể sử dụng, còn thì bạn có thể nói rõ là mình đã có những thứ đó rồi.

4. Những cuộc nói chuyện về lương, thưởng

Những đợt tăng lương hoặc thưởng luôn là đề tài bất tận cho các cuộc “tám chuyện” ở công sở. Bạn có thể cảm thấy khó xử khi một đồng nghiệp hỏi bạn nhận được bao nhiêu. Cho dù bạn nhận được nhiều hay ít hơn họ, thì đây vẫn là một cuộc đối thoại khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn không muốn nói chuyện này, bạn hoàn toàn có thể từ chối và nói rằng, bạn nhận thấy, nói chuyện tiền bạc với đồng nghiệp là điều không nên và dừng chủ đề này tại đây.

5. Các buổi tiệc tùng ở công ty

Cuối năm là quãng thời gian mà các công sở thường hay tổ chức các buổi tiệc tùng. Cho dù trong số các đồng nghiệp có người bạn không ưa, nhưng bạn vẫn nên tham gia vào các dịp như thế này. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là bạn nên hạn chế hoặc tránh dùng đồ uống có cồn trong các bữa tiệc với đồng nghiệp và giữ cho các cuộc trò chuyện ở đó thật dễ chịu. Biết đâu, một bữa tiệc công ty có thể giúp bạn có cơ hội làm quen với một nhân vật quan trọng nào đó, nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để mở rộng mối quan hệ trong những dịp như vậy.

Phương Anh
Theo AOL Jobs