1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng tại Huế”

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm việc với đại diện Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của tỉnh.

“Giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng tại Huế” - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Sơn Tùng)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc chú trọng sự hài hoà giữa công tác phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Nhiều lĩnh vực quản lý của ngành LĐ-TB&XH đã được tỉnh thực hiện tốt như việc làm, người có công, giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội...

Bộ trưởng ghi nhận: “Đơn cử như việc triển khai có hiệu quả của tỉnh trong công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do Covid-19 gây nên. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp tới từng địa phương để giám sát việc chi trả tới các nhóm đối tượng, thể hiện sự quan tâm và sát sao trong hỗ trợ người dân…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Cũng tại buổi làm việc, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế, đã báo cáo những kết quả chính trong việc thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội trong 9 tháng qua. 

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ tới 99,6 % các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giải quyết việc làm mới cho hơn 7.379 lao động, kịp thời trợ cấp ưu đãi hàng tháng 18.500 người có công và thân nhân.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH đã giám sát và thực hiện thay 265 bia mộ còn lại có khắc dòng chữ “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ không xác định được danh tính” tại nghĩa trang ở các huyện, thị xã.

“Giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng tại Huế” - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 tại Thừa Thiên Huế (Ảnh: Sơn Tùng)

Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất nhiều kiến nghị trong triển khai chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn.

Nhận định về kết quả do tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng điều này thể hiện sự quan tâm sát sao và kịp thời của lãnh đạo, các ngành trong tỉnh thời gian qua đối với lĩnh vực an sinh xã hội.

Liên quan tới lĩnh vực người có công, Bộ trưởng đánh giá cao việc tỉnh đã xử lý dứt điểm 265 bia mộ có ghi tên “liệt sĩ vô danh”. Đây là việc làm rất thiết thực và cụ thể.

“Với công tác xử lý hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, Thừa Thiên Huế không phải là địa phương làm điểm nhưng tỉnh đã chủ động đăng ký triển khai và tới nay chỉ còn 8 hồ sơ tồn đọng” - Bộ trưởng nói.

“Giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng tại Huế” - 3

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết việc làm mới cho hơn 7.379 lao động qua 9 tháng đầu năm 2020 (Ảnh: Sơn Tùng)

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ còn tồn đọng trên trước ngày 31/12/2020. Các cơ quan trên cần trả lời rõ tới người dân, trường hợp nào đủ điều kiện công nhận hoặc ngược lại.

Liên quan tới công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh cần sớm nghiên cứu và đầu tư theo hướng phát triển thành trung tâm nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển kinh tế của địa phương, gắn kết với quy hoạch của địa phương và các ngành.

Về đề xuất quy hoạch lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Bộ đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của tỉnh về việc đề xuất với Chính phủ phê duyệt bổ sung một trường cao đẳng của tỉnh vào danh mục các trường cao đẳng chất lượng cao giai đoạn 2021-2025, qua đó nhằm đảm bảo đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

“Giải quyết dứt điểm 8 hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng tại Huế” - 4

Nhiều kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được giải đáp tại buổi làm việc (Ảnh: Sơn Tùng)

Liên quan tới quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, Bộ trưởng đề nghị Thừa Thiên Huế nên xây dựng hệ thống phát triển linh hoạt đa dạng về số lượng và chất lượng, thống nhất số hoá thông tin của ngành.

Trên cơ sở việc triển khai đồng bộ và hiệu quả trong chính sách an sinh xã hội của tỉnh, Bộ trưởng đề xuất “đặt hàng” tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng mã số an sinh xã hội đầu tiên trong cả nước.

Theo đó, cơ quan quản lý địa phương sẽ tích hợp các mã số vào 1 tấm thẻ để quản lý thông tin cá nhân của người có công, bảo hiểm xã hội, hộ nghèo và cận nghèo qua đó giúp tăng sự thuận tiện trong đời sống của người dân và công tác quản lý nhà nước của ngành.

Về việc nâng cấp các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện ma tuý, Bộ trưởng yêu cầu tách rõ theo hướng: Xây dựng mô hình trung tâm bảo trợ đa năng phục vụ công tác chăm sóc trẻ em, người già và người khuyết tật. Ngoài ra, mô hình cơ sở quản lý đối tượng cai nghiện cần được tách riêng.

Với đề xuất đầu tư cơ sở nuôi dưỡng người có công của tỉnh, Bộ trưởng đề nghị triển khai theo 2 hướng: Vụ Tài chính kế toán của Bộ sẽ cân đối kinh phí chi thường xuyên để hỗ trợ và đồng thời đưa nội dung công việc này vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2...

Tăng cường công tác an sinh xã hội

Cũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu việc chăm lo cho ngành LĐ-TB&XH và lĩnh vực an sinh xã hội là một trong số các chủ trương nhất quán, nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, cụ thể:

Đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm đảm bảo công tác xã hội hoá các sự kiện chính sách xã hội, trong đó thực hiện nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện. Một số lĩnh vực người có công, người yếu thế, người khuyết tật, người già do nhà nước bảo trợ. Còn lại, các lĩnh vực khác có thể nghiên cứu việc xã hội hoá theo hướng nhà nước và các tổ chức xã hội cùng chung tay, phát huy vai trò văn hoá tương thân tương ái của dân tộc.

Nâng cao hơn nữa đời sống của người có công với cách mạng. Bộ trưởng lưu ý, tỉnh cần chú trọng nâng cao đời sống người có công cao hơn mức bình quân của đời sống khu dân cư. Muốn đạt được điều này, Bộ trưởng cho rằng cần kết hợp các ưu việt của đời sống xã hội và chính sách ưu đãi để giúp có thể thực hiện được mục tiêu này.

Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần quan tâm tới việc giảm nghèo bền vững, tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều. “Tỉnh có nhiều địa bàn khó khăn và đồng bào người dân tộc. Cần phải quan tâm và tạo sự khách biệt trong thực hiện chính sách nơi này” - Bộ trưởng cho biết.