Giai đoạn 2010-2015, VN có hơn 80.000 nhân viên công tác xã hội

“VN đang đi lên từ nước nghèo và vai trò ngành công tác xã hội rất lớn. Cả nước hiện có gần 10 triệu người cao tuổi, 7 triệu người khuyết tật, hàng triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội, chưa kể hàng triệu người gặp phải vấn đề về bạo lực bạo trẻ em bị xâm hại…”


Nhu cầu nhân lực CTXH rất lớn trong thời gian tới.

Nhu cầu nhân lực CTXH rất lớn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Dân trí nhân Lễ Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới (11/11/2015) tại Hà Nội. Đây cũng là dịp để nhìn nhận lại những điểm chính trong công tác triển khai Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020.

Thưa ông, kết quả của công tác triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 tới nay ra sao?

Sau 5 năm triển khai Đề án Phát triển nghề CTXH, chúng ta đã có những bước tiến nhanh trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý.

Chúng ta đã ban hành được bộ tiêu chuẩn, chức danh của nghề CTXH, mã ngạch tiêu chuẩn chăm sóc và nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động mô hình trung tâm CTXH, tổ chức và cơ cấu lại các cơ sở bảo trợ xã hội để chuyển hướng sang cung cấp các dịch vụ xã hội.

Cho đến nay, chúng ta đã có văn bản quy định thang, bảng lương cho nhân viên CTXH, hình thành trên 400 cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội. Điều quan trong, chúng ta hay đổi nhận thức về nghề CTXH.

Cách đây 5 năm, nhiều cán bộ và người dân còn chưa hiểu về CTXH như 1 nghề chuyên nghiệp. Nhưng nay nhận thức đã thay đổi và thể hiện rõ ở số lượng sinh viên đang theo học tới hàng chục ngàn người.

VN hiện có 80.000 nhân viên và cộng tác viên hoạt động tới các dịch vụ ngành CTXH. Họ đang làm việc ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, cơ sở cai nghiện, trung tâm điều dưỡng, các tổ chức xã hội. Điểm yếu của nhân lực là thiếu sự đào tạo bài bản về ngành nghề CTXH, và sự am hiểu về tâm lý học, xã hội học, giáo dục đặc biệt.

Tôi kỳ vọng, hệ thống gồm hơn 70 trường CĐ, ĐH và dạy nghề có liên quan tới đào tạo nghề CTXH, chúng tôi hy vọng sẽ có sự đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên CTXH. Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao việc đào tạo cho đội ngũ giảng viên ngành CTXH.

Một trong những yếu tố có tính thực tế đối với nhân lực ngành CTXH là thu nhập. Vậy tới nay, vấn đề này đã được quan tâm ra sao, thưa ông?

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành hệ thống thang, bảng lương với nhân viên CTXH. Về cơ bản, hệ thống này cũng được xây dựng giống như chế độ với công chức, viên chức theo như các ngành khác.

Tuy nhiên với đặc thù CTXH là nghề nghiệp phức tạp. Người làm nghề phải tiếp cận với người tâm thần, người già, người nghèo, người khuyết tật và người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Họ luôn gặp phải các đe dọa bất ngờ, như: Bị người tâm thần và người nghiện hành hung , bị người nhiễm HIV vô tình truyền bệnh. Thậm chí có người còn bị tử nạn.

Chính vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Nội vụ để xây dựng và trình Chính phủ 1 Nghị định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, nhằm động viên cho đối tượng này và huy động lực lượng lao động tham gia nghề.


Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Xu hướng hội nhập mạnh mẽ hiện nay khiến nghề CTXH đang gặp phải thách thức gì, thưa ông?

Tính chuyên nghiệp là điều cần quan tâm đầu tiên. VN hiện có tới 80.000 người làm việc trong lĩnh vực CTXH. Nhưng số lượng nhân sự được đào tạo trong lĩnh vực này còn thấp.

Vấn đề thứ 2, nhu cầu cần sự trợ giúp xã hội của xã hội lớn. Nhưng chất lượng và số lượng cung cấp còn hạn chế. Theo quy định của quốc tế, một quận/huyện phải có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Đề án phát triển mạng lưới các Trung tâm CTXH. Theo đó, tới năm 2025, VN sẽ phát triển lên 460 cơ sở. Mở rộng cơ sở hiện có để trợ giúp cho người dân…

Vậy trong 5 năm tới, ngành CTXH cần phải chú trọng vào những yếu tố gì để có thể đáp ứng những thách thức đặt ra?

Mục tiêu đưa CTXH thành nghề chuyên nghiệp trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính như sau trong giai đoạn 2016-2020,như sau:

Hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa nghề CTXH, xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp hợp lý để thu hút lực lượng lao động tham gia.

Phát triển chất lượng và số lượng các cơ sở dịch vụ CTXH nhăm phục vụ người dân.

Phát triển mạng lưới nhân viên CTXH ở các ngành và cộng đồng, đặc biệt là chú trọng vào những ngành mới phát triển như: y tế, giáo dục, tư pháp.

Tưng giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục, và tăng cường truyền thông trong xã hội để nâng cao nhận thức của xã hội.

Để hạn chế sự phân biệt trong đầu tư cơ sở công - tư trong lĩnh vực CTXH, với mục tiêu nâng cao dịch vụ cho người dân, ông đánh giá ra sao về giải pháp xã hội hóa?

Vai trò của xã hội hóa rất quan trọng trong lĩnh vực CTXH. Không có xã hội hóa thì bất cứ chính phủ nào cũng không thể thực hiện được tốt công tác xã hội.

Để khuyến khích xã hội hóa, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP về đổi mới dịch vụ công theo hướng chúng ta sẽ hỗ trợ theo “đầu ra” cho tất cả các cơ sở.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định lộ trình tự chủ của các cở của Nhà nước tự chủ về tiền lương, cơ sở vật chất và tài sản cố định.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chỉ quan tâm tới việc hỗ trợ “đầu ra” cho cơ sở, bất kể là cơ sở công hay cơ sở tư. Điều này sẽ tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh chất lượng về cung cấp dich vụ cho người dân.

Khi gia tăng các cơ sở dịch vụ, điều này tác động ra sao tới việc làm của nhân lực ngành CTXH hiện còn nhiều tình trạng thất nghiệp, thưa ông?

Khi chúng ta gia tăng được số lượng các cơ sở trong và ngoài công lập, dịch vụ cho người dân phát triển thì sử dụng nhiều dịch vụ nhiều hơn.

Theo tính toán, số người dân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hôi chỉ chiếm 20 %. Còn lại 80 % người dân tham gia sẽ tham gia và trả phí. Điều này sẽ giúp tạo ra việc làm ổn định cho nhân lực ngành CTXH.

Xin cảm ơn ông

Cần xây dựng Bộ quy tắc đạo đức nghề CTXH?

“Tại Anh Quốc, Hoa Kỳ hoặc ÚC đều xây dựng 1 đạo luật về đạo đức nghề CTXH, Singapore có 1 sắc lệnh đạo đức về nghề CTXH, Indonexia có 1 Nghị định về đạo đức nghề CTXH. Philippin có 1 thông tư về nghề CTXH. Nhiều nước khác, tùy theo điều kiện mà xây dựng những quy định ở mức độ khác nhau về đạo đức nghề CTXH.

Trong điều kiện xã hội VN, chúng tôi cho rằng cần thiết xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức về nghề CTXH, quy định những hành vi ứng xử với khách hàng, những hành vi được và không được làm của nhân viên CTXH, quy định phối hợp với đồng nghiệp trong các ngành khi can thiệp trợ giúp…” - ông Nguyễn Văn Hồi nói.

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Tin liên quan:

Lao động nữ di cư cần sự can thiệp của công tác xã hội

Đây là một trong những kết quả công bố tại Hội thảo nghề Công tác xã hội do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐ-LĐ&XH tổ chức hôm 11/11 tại Hà Nội. Theo đó, nữ lao động di cư tới các thành phố lớn còn thiếu sự trợ giúp về các dịch vụ y tế và việc làm, chống bạo hành…Khảo sát mới công bố của nhóm chuyên gia thuộc Học viện phụ nữ VN (Hội LHPN VN) cho thấy, trong số 1.600 phụ nữ được hỏi có tới 86 % cho biết đi xa vì lý do kinh tế. Họ hầu như phải làm việc 7 ngày/tuần với lượng thời gian dành cho công việc kiếm tiền là 9,5 h mỗi ngày. Lao động nữ dễ bị tổn thương do tính không ổn định của công việc. Khảo sát cũng cho thấy, lao động nữ thường ở trong các khu nhà tồi tàn, thiếu điều kiện về vệ sinh. Tính chất công việc nặng nhọc ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong khi đó, lao động nữ thiếu sự cam thiệp bảo vệ khi bị ăn quỵt tiền công, bạo hành và xúc phạm tinh thần trong quá trình tìm và làm việc.

H.M

Yên Bái: Khai giảng khóa huấn luyện kỹ năng công tác xã hội với người cao tuổi

Từ ngày 30 - 31/10, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái) đã tổ chức tập huấn, chia sẻ chuyên đề công tác xã hội với Người cao tuổi cho cán bộ, viên chức đang làm việc tại Trung tâm.

Theo ông Phạm Công Quyết, Giám đốc Trung tâm, nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trọng đời sống xã hội hiện nay. Đặc biệt, việc vận dụng, thực hành các kiến thức, kỹ năng CTXH trong công tác quản lý, chăm sóc đối tượng tại Trung tâm sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc đối tượng. Tham gia tập huấn, chia sẻ là nhóm cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác xã hội với tinh thần cùng trao đổi giữa lý thuyết và thực tế công việc đang áp dụng đối với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng nhóm đối tượng người cao tuổi cô đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trong thời gian tập huấn, cán bộ viên chức đã được chia sẻ chuyên đề CTXH với Người cao tuổi gồm 4 nội dung chính: Những kiến thức chung về Người cao tuổi; chính sách và một số mô hình trợ giúp Người cao tuổi tại Việt Nam; các phương pháp, kỹ năng công tác xã hội với người cao tuổi và công tác xã hội người cao tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội thông qua các hình thức thảo luận nhóm, thuyết trình, phân tích lý thuyết dựa trên các tình huống cụ thể về người cao tuổi tại Trung tâm. Qua đợt tập huấn, chia sẻ, các học viên tham gia lớp học đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác xã hội với người cao tuổi để áp dụng thực hành một cách khoa học, mang tính chuyên nghiệp trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc nhóm đối tượng người cao tuổi cô đơn tại đơn vị. Được biết, Trung tâm bảo trợ xã hội Yên Bái đang hoàn thiện các trình tự trình cấp trên phê duyệt đề án đổi tên thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội.

V.M

Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ VN các kinh nghiệm về nghề công tác xã hội

Ngày 12/10, tại Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ LĐ-TB&XH về về các vấn đề liên quan đến trẻ em và hoạt động công tác xã hội liên quan.

Hai bên đã trao đổi những vấn đề cũng quan tâm như phát triển hệ thống phúc lợi trẻ em tại Việt Nam, việc triển khai Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã cho biết: Tại VN, Luật Con nuôi đã được Quốc hội thông qua từ năm 2010 và Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực con nuôi. Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ quản lý và trực tiếp phụ trách các Trung tâm Bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. “Sau 3 năm triển khai Luật Con nuôi, vấn đề cho, nhận con nuôi trong nước và quốc tế đã được tháo gỡ những khó khăn ban đầu để thực hiện tốt hơn” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhận xét. Bà Susan Jacobs, Đại sứ, Cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật và hỗ trợ trẻ em của VN thời gian qua. Đồng thời, bà Susan Jacobs cho biết: Thời gian tới Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ VN một số khóa tập huấn ngắn hạn về nghề công tác xã hội cho các cán bộ làm việc tại các Trung tâm bảo trợ xã hội. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cử các chuyên gia sang VN trực tiếp tập huấn về nghề công tác xã hội cho những cán bộ trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

H.T