Nghề CTXH: Cần tâm huyết để cứu giúp người yếu thế, khó khăn

“Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, lĩnh vực công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc con người…”.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày CTXH thế giới lần thứ 18.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày CTXH thế giới lần thứ 18.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 18. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.

Đánh giá về phát triển nghề Công tác xã hội tại VN thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Kết quả phát triển nghề CTXH thời gian qua, đặc biệt là từ 5 năm trở lại đây cho thấy nỗ lực của hệ thống chính trị đối với công tác này.  Từ khuôn khổ pháp luật, chính sách tới hoạt động thực thi ở các cấp.  Hệ thống an sinh đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo cơ sở để các đối tượng thụ hưởng với mức cao hơn”.

Nhấn mạnh tới nhiệm vụ thời gian tới, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai và thực thi nghề CTXH; mở rộng mạng lưới công tác xã hội và đội ngũ nhân lực làm nghề trên toàn quốc…”.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước lưu ý tâm huyết của người làm nghề CTXH. “Thành công không chỉ dựa vào năng lực, kỹ năng mà còn dựa vào tâm huyết và tấm lòng của đội ngũ nhân lực.  Thực tế đã chứng minh, Việt Nam từ một đất nước nghèo khó nhưng đã đứng lên và thành công nhờ con người Việt Nam thông minh, hiếu học và nhân văn, nhân ái.  Do đó, hãy giúp người nghèo, các đối tượng yếu thế đặc biệt là con em họ được hưởng các quyền mà pháp luật để được học hành, lao động, xây dựng gia đình và phát triển đất nước”.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, công tác xã hội là nghề hướng tới trợ giúp những đối tượng khó khăn và rủi ro trong cuộc sống. Việt Nam hiện có gần 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 2,7 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 180.000 người nhiễm HIV…

Trong 5 năm gần đây, Bộ LĐ-TB&XH triển khai Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 với kết quả bước đầu là khung pháp lý cơ bản về Nghề Công tác xã hội; hình thành 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 34 trung tâm CTXH chuyên sâu; các tỉnh thành đã hình thành hệ thống 80.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên.

Ngoài ra, cả nước có 55 trường đại học và cao đẳng, 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH, so với năm 2010 chỉ có 1-2 cơ sở. Hàng năm, hơn 10.000 lượt cán bộ nhân viên, cộng tác viên được đào tạo hệ vừa học vừa làm và bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH.

Nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lưu ý Ban điều hành Đề án 32/2010/QĐ-TTg cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 32 giai đoạn 2010-2015, xây dựng triển khai kế hoạch 2016-2020.

Đồng thời, Đề án cần phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên trong hệ thống trường học, bệnh viên, hệ thống tư pháp; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghề công tác xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nghề công tác xã hội.

Phan Minh