Giải bài toán đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn vào năm 2030

Hoa Lê

(Dân trí) - Với năng lực của các cơ sở đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là khả thi.

Về các giải pháp thực hiện đào tạo khoảng 50.000-100.000 lao động chất lượng cao, báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã xác định nhiệm vụ "ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam thu hút được các dự án FDI quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược, cũng như phát triển các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành chíp, bán dẫn.

Từ việc thu hút đầu tư này sẽ thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, khai thác hiệu quả thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế phù hợp với xu thế toàn cầu.

Với quan điểm đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Trong đó, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn như: thiết kế, đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị vi mạch, chất bán dẫn...

Chương trình xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hợp tác các bên Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp, thu hút nhân tài trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài...

Bên cạnh đó, chương trình cũng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo, sử dụng ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan liên quan cung cấp nhu cầu vốn và xây dựng đề xuất dự án để phát triển 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở tại 18 trường đại học công lập.

Xác định dự kiến số lượng sinh viên, học viên, giảng viên sẽ được tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm thực hiện các mục tiêu của chương trình.

Căn cứ trên số liệu đăng ký năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ này đánh giá, việc đào tạo được 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là khả thi, thậm chí con số có thể lớn hơn nhiều nếu nhu cầu thị trường đủ khả năng hấp thụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, sẽ chủ động triển khai nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác công tư phục vụ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao này sẽ có cơ chế thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phối hợp quản lý, phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo của khu vực tư nhân...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cũng sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn tài trợ cho hoạt động đào tạo, kết nối đầu ra cho nguồn nhân lực...