Công thức để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam
(Dân trí) - Với mục tiêu đến năm 2050 đạt quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 100 tỷ USD/năm, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, trong đó xây dựng công thức C= SET+1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Chiến lược này được xây dựng theo công thức C = SET + 1.
Trong đó, C đại diện cho "Chip" - mục tiêu cuối cùng của ngành công nghiệp bán dẫn. SET là 3 yếu tố then chốt: S (Specialized - Chuyên dụng), E (Electronics - Điện tử), và T (Talent - Nhân tài).
Cuối cùng, +1 tượng trưng cho Việt Nam, khẳng định vị thế của đất nước là một điểm đến mới, an toàn và hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Công thức này là con đường của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong 2 thập kỷ tới. Đi kèm theo đó là chiến lược phát triển chia thành 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu tiên 2024-2030 là tập trung vào việc tận dụng lợi thế địa chính trị và nguồn nhân lực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc để hình thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu.
Đến cuối giai đoạn này, Việt Nam sẽ có ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế và một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, cùng với mục tiêu doanh thu bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm.
Giai đoạn thứ hai, từ năm 2030 đến 2040, đặt ra tham vọng lớn hơn. Việt Nam hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu. Chiến lược trong giai đoạn này tập trung vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn cuối cùng, từ năm 2040 đến 2050, sẽ đánh dấu bước nhảy vọt bởi Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn và điện tử.
Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm với giá trị gia tăng từ 20-25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.
Với mục tiêu có 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip và 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử, Việt Nam hướng tới việc làm chủ hoàn toàn công nghệ trong lĩnh vực này.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chiến lược đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên là phát triển chip chuyên dụng, tập trung vào các lĩnh vực như chip AI và chip IoT. Tiếp theo là phát triển công nghiệp điện tử, tạo nền tảng vững chắc cho ngành bán dẫn.
Nhiệm vụ thứ ba là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với mục tiêu đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực này. Thứ tư là thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Chiến lược còn đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp bổ sung như thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.