Ghi điểm trước nhà tuyển dụng
(Dân trí) - Trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Nâng cao kỹ năng phỏng vấn” được Công ty VietnamWorks tổ chức hôm 16/9 tại TPHCM, các chuyên gia nhân sự hàng đầu Việt Nam đã dạy các ứng viên những cách hiệu quả nhất để ghi điểm trong buổi phỏng vấn.
Trước hết, bạn cần hiểu rằng điều mà mọi nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên là sự tự tin và tính chuyên nghiệp. Trong lần gặp gỡ này, nhà tuyển dụng thường đưa ra những câu hỏi cơ bản như: tìm hiểu sự phát triểm của cá nhân (quá trình làm việc, kỹ năng lãnh đạo...), tại sao tham gia cuộc phỏng vấn (trình bày lý do), động cơ làm việc (bạn cảm thấy thế nào khi thăng chức? cảm xúc khi lần đầu tiên được đi công tác nước ngoài?...), những thành công bạn đã đạt được.
Ngoài những câu hỏi thông thường, bạn cần có phản ứng tốt trước những tình huống khó, như: thuyết phục nhà tuyển dụng khi bạn phải đối mặt với người có kinh nghiệm hơn mình, chứng minh rằng bạn là người phù hợp nhất với vị trí bạn đang ứng tuyển, ứng xử thế nào nếu nhà tuyển dụng lại là một người quen cũ không mấy thiện cảm với bạn?
5 yếu tố mà nhà tuyển dụng thường quan tâm là: khả năng học hỏi, tư duy thực tế, sự trung thực, động cơ làm việc, kỹ năng làm việc theo nhóm. Nhà tuyển dụng cũng đặc biệt quan tâm đến công việc trong quá khứ của bạn. Nhà tuyển dụng muốn bạn biết đơn giản hoá những việc phức tạp.
Ứng viên đạt được ưu thế trong cạnh tranh khi “biết người, biết ta”. Do đó, bạn cần tìm hiểu càng nhiều thông tin về nơi mình đến làm càng tốt, những người đang làm trong công ty, giám đốc, thị trường kinh doanh, tình hình tài chính,… Cần cố gắng “kết nối” với nhà tuyển dụng để biết về tính cách, sở thích, quê quán của họ. Khi bạn gặp câu hỏi khó, hãy thông minh lèo lái đến những điểm chung giữa hai người. Chẳng hạn nói rằng bạn và nhà tuyển dụng là đồng hương chẳng hạn.
Khi bắt tay cần nhìn thẳng vào mắt và chào nhà tuyển dụng. Tay bạn cần có hơi ấm, khô ráo và sạch sẽ. Không bắt hai tay, vì điều đó thể hiện bạn là người khúm núm. Nên dùng nước hoa nhẹ mùi, nhai kẹo bạc hà trước khi vào phỏng vấn.
Khi them gia phỏng vấn, hãy giữ cho cơ thể ở tư thế ngồi tự nhiên, không quá nghiêm trang nhưng có độ chuẩn vừa phải. Chú ý lắng nghe câu hỏi của họ, hạn chế hỏi lại. Nếu họ nói quá nhỏ, có thể lịch sự yêu cầu họ nói to hơn. Trả lời nên đi thẳng vào vấn đề cần nói, họ không có nhiều thời gian đâu, hơn nữa họ cũng không thích một nhân viên rườm rà trong lời ăn tiếng nói. Giọng nói phải chứa cảm xúc và cung bậc, đừng đều đều vô cảm, dễ gây nên sự xa cách và phản cảm.
Trang phục là thông điệp không lời gửi tới nhà tuyển dụng nhưng mang lại hiệu quả cao nếu biết cách khai thác. Nam giới nên mặc áo sơmi dài tay, quần âu, giầy tây sơ vin. Dùng cà vạt có màu hợp với màu áo, không lòe loẹt. Tóc ngắn và cạo sạch râu. Nữ giới cũng nên mặc đồ thời trang văn phòng, trang nhã và lịch sự. Không nên dùng quá nhiều đồ trang sức ngoài nhẫn cưới và đồng hồ. Đừng sơn móng tay màu sặc sỡ và luôn vuốt tóc khi đang trả lời nhà tuyển dụng. Cặp hoặc túi xách mang theo nên nhỏ gọn.
Trên đây là những lời khuyên rút ra từ thực tế của các chuyên gia tuyển dụng, với mong muốn các bạn sẽ dễ dàng vượt qua “cửa ải” không thể thiếu này trong quá trình tìm việc.
Vũ Trần Đại