Hà Tĩnh:

Gặp "vua nấm", từng mang hàng đi khắp chợ chẳng ai thèm mua

Xuân Sinh

(Dân trí) - Hơn 10 năm trước, anh Hải mang từng rổ nấm đi khắp chợ nhưng chẳng ai thèm mua. Nhưng bằng sự cần cù, giờ đây anh đã là ông chủ của một xưởng sản xuất nấm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gặp vua nấm, từng mang hàng đi khắp chợ chẳng ai thèm mua - 1

Những cây nấm sò mọc tua tủa tại mô hình của anh Hải

Mang nấm đi khắp chợ nhưng chẳng ai mua

Vốn xuất thân từ nông dân, lớn lên từ đồng ruộng, anh Lê Trọng Hải (SN 1969, thôn 1, xã Bình An, Lộc Hà) từng suy nghĩ phải đi khỏi vùng đất này mới mong thoát được cái khó, cái nghèo.

Chính vì vậy mà anh đã bươn chải hết miền Bắc lại vào miền Nam làm đủ thứ nghề, nhưng cuộc sống vẫn cứ chật vật, hầu như không dư giả gì.

Sau những năm tháng mệt nhọc mưu sinh ở nơi đất khách, anh quyết định bỏ lại tất cả để về quê tìm hướng lập nghiệp.

"Bươn chải khắp nơi nhưng nghiệm lại mình chỉ đi làm thuê, làm mướn, công việc vất vả lại xa gia đình nhưng vẫn không tích góp được bao nhiêu, nên tôi trở về quê và mong muốn làm giàu trên chính quê hương của mình", anh Hải chia sẻ.

Nhưng về quê khởi nghiệp bằng công việc gì cũng là một vấn để khiến anh phải đau đầu, suy nghĩ.

Đến năm 2005, sau khi được tham gia lớp tập huấn về quy trình sản xuất cây nấm do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh phối hợp với Viện Di truyền học Trung ương tổ chức tại huyện Thạch Hà, anh Hải tìm được con đường đi riêng của mình.

"Tôi quyết chọn cây nấm để khởi nghiệp và quyết tâm sẽ làm giàu từ cây nấm", anh Hải nói về cái duyên đến với cây nấm.

Gặp vua nấm, từng mang hàng đi khắp chợ chẳng ai thèm mua - 2

Anh Hải cẩn thận kiểm tra những "đứa con" của mình

Từ những kiến thức ban đầu học được, anh đã dồn toàn bộ vốn liếng tích góp được để mở xưởng sản xuất nấm rộng 70m2 trong vườn để ấp ủ ước mơ làm giàu.

"Tôi chọn nấm sò, nấm mộc nhĩ để xây dựng mô hình", anh Hải cho biết.

Khi đang bắt đầu "mơ mộng" sẽ làm giàu từ cây nấm thì anh liên tiếp nếm trải mùi đắng cay của thất bại. Cây nấm "không hoàn hảo" như anh mường tượng.

"Lúc đó mình còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm nên việc làm phôi nấm chưa đáp ứng yêu cầu. Phôi bị mốc, nấm bị bệnh không phát triển được và dường như phải vứt toàn bộ phôi trong vụ đầu tiên", anh Hải nhớ lại.

Thất bại khiến anh có chút buồn nhưng không bỏ cuộc. Anh tiếp tục mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở địa phương khác và từ các cơ quan chuyên môn nên những vụ nấm tiếp theo, anh Hải đã bước đầu gặt hái được những thành công.

Thế nhưng chưa kịp vui thì một lần nữa anh lại rơi vào "tuyệt vọng", khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. "Tôi mang nấm đi khắp các chợ để bán, để tiếp thị nhưng chẳng ai thèm mua. Dân họ nói ăn những loài nấm này làm gì", anh Hải nhớ lại.

Đến thu nhập hàng trăm triệu đồng

Gặp vua nấm, từng mang hàng đi khắp chợ chẳng ai thèm mua - 3

Hiện mô hình của anh Hải đang trồng nhiều loại nấm như linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ

Nhờ sự cần cù, kiên trì, không bỏ cuộc, sau 5 năm, công việc trồng nấm của anh Hải mới bắt đầu đi vào ổn định, cho thu nhập. Khi đã nắm vững kiến thức, kinh nghiệm, anh đầu tư máy móc, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Và đến nay, khu nhà xưởng sản xuất đã được mở rộng lên hơn 2.000m2 với nhiều loại nấm như: Nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi, nấm rơm. Anh Hải chia sẻ trồng nấm khâu quan trọng nhất là làm phôi nấm. Đây có thể xem là bước quyết định đến chất lượng, cũng như thành bại của sản phẩm.

"Nếu làm phôi nấm đảm bảo thì sau đó sẽ không còn gặp vấn đề gì về sâu bệnh nữa. Cái hay của cây nấm là nhanh cho thu hoạch và thu hoạch được trong thời gian dài. Như nấm sò, sau 10 ngày có thể thu hoạch, một ngày thu hoạch 2 lần", anh Hải cho biết.

Từ năm 2015 đến nay, là thời điểm nấm được tiêu thụ mạnh nhất. Hiện nay, bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất nấm của anh Hải cung cấp ra thị trường trên 400kg nấm linh chi, gần 10 tấn nấm mộc nhĩ và 20 - 30 tấn nấm sò.

Gặp vua nấm, từng mang hàng đi khắp chợ chẳng ai thèm mua - 4

Nhờ sự cần cù, quyết tâm, anh Hải đã làm giàu từ cây nấm trên chính mảnh đất quê hương mình

Và hầu như sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thu hết đến đó. Ngoài thị trường là các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh thì sản phẩm nấm của anh Hải còn vươn đến Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Ngoài ra, anh Hải còn cung cấp phôi nấm, cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân, mô hình có nhu cầu. Trung bình mỗi năm, mô hình sản xuất nấm mang lại cho anh nguồn thu trên 300 triệu đồng.

Đặc biệt, từ chỗ làm thuê, làm mướn thì nay anh Hải đã làm chủ và tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập của mỗi lao động là trên 4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, tại huyện Lộc Hà, mô hình trồng nấm của anh Hải được xem là lớn nhất. Nhiều người còn gọi vui anh Hải là "vua nấm".

Nói về dự định, anh Lê Trọng Hải cho biết, sắp tới sẽ mở rộng sản xuất, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Chúng tôi đang làm thủ tục thuê thêm 5.000 m2 để mở rộng mô hình sản xuất và trồng thêm những loại nấm khác như nấm kim phúc, nấm chân dài...", anh Hải cho biết thêm.