1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gánh nước thuê: Nghề hiếm, chỉ còn ở Hội An

Ngô Linh

(Dân trí) - Vất vả, thu nhập ít ỏi nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề gánh nước thuê hàng chục năm trời giữa lòng Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Những gánh nước vượt thời gian

Ở thành phố Hội An (Quảng Nam) có một giếng nước cổ của người Chăm xưa tồn tại cả ngàn năm nay, nằm sâu trong kiệt Bá Lễ - đoạn nối giữa đường Trần Hưng Đạo và Phan Chu Trinh.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-1.jpeg

Mỗi ngày ông Huỳnh Ngọc Nổi đến thật sớm quét dọn lá cây xung quanh giếng, vệ sinh thành giếng, rồi thắp nén nhang trong bát hương trên ban thờ.

Không người dân nào sống lâu năm ở phố cổ Hội An mà không biết đến giếng Bá Lễ - nước giếng ngọt, mạch nước dồi dào. Nguồn nước giếng này góp phần tạo nên sự mềm, giòn của sợi cao lầu, cũng là nguồn nước ngọt ngào của nhiều cư dân sống ở vùng gần sông của khu phố cổ.

Nhờ nguồn nước quý đã tạo nên một nghề rất dân dã, góp phần tạo nên hồn phố Hội An: nghề gánh nước thuê, tồn tại đã hàng chục năm nay.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-2.JPG

Ông Nổi đã làm nghề gánh nước được hơn 40 năm.

Ở giếng cổ Bá Lễ có rất nhiều người sống với nghề đổ nước thuê. Một vài người tranh thủ lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, nhiều người sắm hẳn cả thùng lớn, chạy xe máy lấy nước rồi đổ cho các mối lớn. 

Ông Huỳnh Ngọc Nổi (54 tuổi, thôn 3, Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn coi giếng cổ là nơi mưu sinh suốt cuộc đời. Hơn 40 năm nay, chưa một ngày đôi quang gánh và vòng xe đạp của ông thôi lọc cọc chạy trên những con phố đi bộ, các ngõ ngách ở Hội An.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-3.jpeg

Nước giếng Bá Lễ ngọt, mát, trong veo. Sau khi lấy nước từ giếng nếu kỹ tính thì người lấy sẽ đổ qua rây lọc lại để lược bỏ lá cây rụng.

Theo ông Nổi, ông được một bà mẹ bên kia sông Thu Bồn nhận làm con nuôi khi còn nhỏ. Để mưu sinh, mẹ ông thường đi bộ qua phố cổ rồi múc nước giếng, gánh đến cho từng gia đình. Năm 13 tuổi ông bắt đầu gánh nước phụ mẹ, một buổi học một buổi gánh nước, rồi gắn bó với nghề cho đến nay.

"Tuổi thơ của tôi là những ngày rong ruổi theo mẹ qua từng hẻm nhỏ trong phố cổ. Khi xưa nghề này thịnh lắm, rất nhiều người theo nghề nhưng hiện đã dần ít do công việc mang lại thu nhập không cao, lại vất vả. Đến đời tôi chắc là những người gánh nước cuối cùng rồi, không biết mai sau có còn ai theo nghề", ông Nổi trầm ngâm.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An cũng làm nên "danh tiếng" cho vợ chồng cụ Nguyễn Đường (SN 1931). Cụ Nguyễn Đường đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục "Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam" năm 2014.

Hơn 60 năm (từ năm 1975-2018), vợ chồng cụ Đường gắn bó với công việc này. Đó thực sự là hành trình dài bền bỉ, nhọc nhằn mưu sinh với gánh nước.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-4.jpeg

Theo ông Nổi, ảnh hưởng dịch Covid-19 các nhà hàng đóng cửa, công việc của ông cũng giảm rất nhiều.

Hiện nay cụ Đường đã mất, người con trai là ông Nguyễn Quốc (63 tuổi) lại thay cha gánh nước mưu sinh, chăm chút công việc như chính mình được cha "truyền nghề" lại.

Gánh nước nhọc nhằn nuôi sống cả gia đình 

Ông Huỳnh Ngọc Nổi cho biết, mấy chục năm nay gánh nước của ông đã nuôi sống cả gia đình. Một gánh nước oằn vai, mất rất nhiều sức lực, đưa tới nhà người dùng, tiền công nhận được rất nhỏ. 

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-5.JPG

Nhiều tài liệu chép rằng, di tích giếng Bá Lễ do người Chăm đào mà thành, có niên đại khoảng 1.000 năm. Giếng sâu khoảng hơn 10 m. Hơn 100 năm về trước, có người tên Bá Lễ đã đóng góp 100 đồng Đông Dương để tu bổ giếng. Ghi nhớ công ơn, người dân Hội An đặt tên là giếng Bá Lễ.

Mỗi can nước 40 lít, chủ nhà hàng, các gia đình sẽ trả cho ông 5.000 đồng. Mỗi lượt đi ông đổ được 2 can, tổng cộng nhận được số tiền 10.000 đồng.

Công việc của ông chỉ loanh quanh nửa buổi sáng là xong và chừng ấy thời gian cũng giúp ông kiếm được khoảng 100.000 đồng. 

Những ngày dịch giã, thật khó để nói rằng gánh nước có thể là nghề và giúp nuôi sống một gia đình. Nhưng ông Nổi tính toán, so với các công việc như đi phụ hồ, chạy xe ôm… thì nghề đổ nước của ông vẫn nhẹ thân hơn.

Nghề gánh nước thuê ở Hội An-6.jpeg

Giếng Bá Lễ không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt mát cho người dân phố cổ, mà còn là di tích được nhiều du khách tìm đến mỗi khi ghé Hội An.

"Hiện nay, ở Hội An, chỉ vài ba người làm nghề gánh nước thuê, nhưng làm không thường xuyên, do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được vài chục đến trăm ngàn, vợ thì đi làm thuê. Các con đã lớn, tự lập được nên tiền kiếm được mỗi ngày cũng đủ đắp đổi", ông Nổi chia sẻ.

Ông Nổi cho hay, trước dịch Covid-19, du lịch Hội An rất sôi động nên các nhà hàng kêu đổ nước liên tục. Có ngày ông gánh cật lực, kiếm được mấy trăm nghìn đồng. Nhưng nay dịch kéo dài, nhà hàng đóng cửa, chỉ còn lại chừng 10 hộ gia đình gọi nước để ăn uống hàng ngày. 

Dù vất vả là vậy nhưng ông Nổi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề, bởi đây là công việc giúp ông mưu sinh hơn 40 năm qua, cũng là cách tưởng nhớ người mẹ hiền đã tần tảo nuôi ông khôn lớn.

Buổi sáng giữa mùa dịch, các con phố đi bộ trong phố cổ Hội An tĩnh lặng như tờ, tiếng lộc cộc từ chiếc xe đạp cũ kỹ của ông Nổi vang vọng rõ hơn, trở thành âm thanh quen thuộc đánh thức một ngày mới ở khu phố cổ.