1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm

Đăng Đức

(Dân trí) - Nhiều tháng bỏ công vun trồng và chăm sóc, người trồng hoa tại Quảng Trị chỉ trông chờ bán vào dịp Tết. Năm nay, dịch Covid-19 khiến người trồng hoa thấp thỏm, sợ hoa tiêu thụ chậm.

Những ngày qua, bất kể thời tiết mưa hay nắng, người dân trồng hoa ở Hợp tác xã hoa An Lạc, phường Đông Giang (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn bám vườn, tập trung thực hiện những công đoạn cuối cùng chăm sóc vụ hoa Tết.

Đầu vụ hoa Tết, lo ngại dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sức mua, anh Hoàng Hữu Thành (trú phường Đông Giang) chỉ xuống giống trồng 300 chậu cúc Đà Lạt, khoảng 100 chậu hoa thược dược và một số loại hoa dạ yến thảo, bông thọ… Sản lượng hoa năm nay tại vườn của anh Thành ít hơn so với mọi năm.

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 1

Người dân tất bật chăm sóc hoa sẽ nở kịp dịp Tết (Ảnh: Đăng Đức).

Theo anh Thành, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là hoa nở đẹp, sẵn sàng cung cấp ra thị trường. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, nên hoa nở đều bông và đẹp hơn.

"Gia đình tôi đang tích cực tỉa nụ hoa, chỉ để lại những nụ hoa cái, khỏe đến khi nở sẽ đẹp hơn. Mấy tháng trồng hoa chỉ trông chờ vào vụ hoa cuối năm để có tiền chi tiêu dịp Tết", anh Thành cho hay.

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 2

Năm nay, anh Thành giảm số lượng hoa so với mọi năm do lo ngại dịch bệnh sẽ khó tiêu thụ (Ảnh: Đăng Đức).

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 3

Những ngày này, người dân tranh thủ tỉa nụ cho hoa, chỉ để lại nụ lớn (Ảnh: Đăng Đức).

Gia đình ông Lê Diên Kim (60 tuổi, trú ở phường Đông Giang) cũng đang trồng 300 chậu cúc, khoảng 300 chậu bông thọ, cùng các loại hoa khác. Ông Kim đã gắn bó với nghề trồng hoa gần 10 năm. Trồng hoa cũng mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình.

"Năm nay thời tiết tương đối ấm áp, không quá lạnh nên hoa phát triển tốt. Vườn hoa của gia đình tôi vẫn duy trì số lượng như mọi năm; ngoài ra, tôi có tăng thêm số lượng một số giống hoa để phục vụ nhu cầu của người dân", ông Kim nói.

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 4

Ông Lê Diên Kim tất bật chăm sóc vườn hoa, kỳ vọng thu nhập cao nhờ bán hoa Tết (Ảnh: Đăng Đức).

Theo khảo sát của PV, hoa cúc Đà Lạt tại vườn hoa An Lạc dự kiến được bà con bán với nhiều mức giá, loại nhỏ nhất khoảng 300 nghìn đồng/chậu, loại vừa có giá từ 500-700 nghìn đồng/chậu, loại lớn có giá từ 800 đến một triệu đồng/chậu.

"Quá trình trồng hoa từ lúc xuống giống đến khi bán phải trải qua nhiều công đoạn, ngoài ra cũng tốn khá nhiều chi phí gồm: mua giống, phân bón, thuê nhân công, phương tiện vận chuyển… Vì vậy, dù nguồn thu từ bán hoa tương đối nhưng sau khi trừ chi phí thì lãi không đáng kể. Những năm trước hoa cúc đều bán được giá nên hy vọng năm nay giá vẫn không thay đổi nhiều", ông Kim nói.

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 5

Hiện Hợp tác xã An Lạc có hơn 20 hộ dân tham gia trồng hoa Tết (Ảnh: Đăng Đức).

Theo ông Hoàng Hữu Khiêm, Tổ trưởng trồng hoa tại Hợp tác hoa An Lạc, phường Đông Giang, năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên hoa An Lạc nở đúng mùa vụ để phục vụ thị trường hoa dịp Tết.

Một số nhà vườn cũng trồng nhiều hoa hơn so với mọi năm. Bà con chủ yếu trồng tập trung các giống hoa truyền thống, dễ tiêu thụ tại địa phương như: Hoa cúc các loại, hoa dạ yến thảo, thược dược, mai yến thảo, ngọc thảo… với hơn 35.000 chậu.

Gần Tết, người trồng hoa thấp thỏm về vụ thu hoạch lớn nhất trong năm - 6

Nghề trồng hoa mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân (Ảnh: Đăng Đức).

Gia đình ông Khiêm trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc các loại, với giá bán từ 150 nghìn đồng tới 1 triệu đồng/chậu, phụ thuộc vào kích cỡ.

Được biết, Hợp tác xã hoa An Lạc hiện có khoảng 20 hộ trồng hoa. Nghề trồng hoa những năm qua đã tạo ra nguồn thu nhập khá cho người dân. Bên cạnh đó, các vườn hoa cũng tạo ra việc làm thời vụ cho hàng chục nhân công, mỗi ngày công từ 200-250 nghìn đồng.