1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên "hái" tiền triệu mỗi tháng

Đặng Dương

(Dân trí) - Cùng diện tích canh tác, trồng sương sâm lấy lá cho lợi nhuận cao hơn so với cà phê, hồ tiêu… Loài cây từng mọc dại này đang được nhiều lao động nông thôn tại Đắk Nông đưa vào trồng tập trung.

Vườn sương sâm (còn gọi là sâm lông) của anh Vi Văn Thiết phát triển xanh tốt trên diện tích gần một sào đất trống của gia đình tại thôn 13, xã Đắk Drông (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

Khoảng 2 năm trước, anh Thiết quyết định trồng sương sâm nhằm cung cấp cho các đầu mối tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) làm thức uống giải khát. Dù diện tích không lớn nhưng theo chủ nhân khu vườn, lợi nhuận mang lại rõ ràng là cao hơn các loại cây trồng khác.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 1

Vườn cây sương sâm của anh Thiết phát triển tươi tốt khi trồng tập trung.

Anh Thiết chia sẻ, cây sương sâm vốn là loài cây mọc dại trong vườn rẫy của gia đình từ lâu. Ngày trước, người dân thường đi tìm lá của cây này về làm thạch giải khát, nhưng chưa có người nào đưa về trồng.

Năm 2019, khi một người thân tại xã Cư Knia bắt đầu trồng sương sâm, anh mới tiếp cận và trồng thử.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 2

Năm 2019, anh Thiết thử nghiệm trồng cây sương sâm, vốn là loài cây mọc dại tại Đắk Nông.

"Tận dụng hơn nửa sào đất nhà, tôi làm giàn và xuống giống cây. Phần lớn cây giống được tôi lên rừng đào về ươm, sau đó chiết tách ra thành nhiều bầu khác nhau. Chính vì giống tự nhiên nên cây sinh trưởng rất khỏe, dễ chăm sóc và nhanh cho thu hoạch", anh Thiết cho hay.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 3

Sau gần 4 tháng trồng, sương sâm phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch lá.

Bỏ ra khoảng hơn 10 triệu đồng để làm giàn và trang bị hệ thống nước tưới, chỉ 4 tháng sau, anh Thiết thu hoạch lứa lá sương sâm đầu tiên.

Sau 2 năm trồng, mỗi tháng vườn sương sâm của anh Thiết cho khoảng 2,5-3 tạ lá. Toàn bộ sản phẩm đã được các đầu mối tại tỉnh Đắk Lắk đặt hàng từ trước và thu mua sau khi thu hoạch.

Nếu như những tháng mùa mưa hoặc tháng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giá dao động khoảng 30.000- 60.000 đồng/kg thì hiện tại, mỗi kg lá sương sâm, anh Thiết bán được 85.000 đồng.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 4

Hiện tại, mỗi kg lá sương sâm được người dân bán được 85.000 đồng.

Theo chủ vườn, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, chăm sóc, nhân công thu hoạch, anh Thiết có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Cũng từng bước "thuần hóa" cây sương sâm để thu hoạch lá, anh Đàm Văn Cường (thôn 10, xã Đắk Drông) tận dụng mảnh vườn sau nhà, đưa loại cây từng mọc hoang trong rẫy về trồng. So với trồng hồ tiêu trước đây, trồng sương sâm có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro và đặc biệt là cho thu hoạch quanh năm.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 5

Trồng cây sương sâm chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro.

Theo anh Cường, chi phí nhân giống và làm giàn chỉ khoảng 10 triệu đồng/sào. Trong khi đó, tuổi thọ của cây rất cao, chỉ cần cắt ngọn là cây tiếp tục sinh trưởng tốt, giúp thu lợi lâu dài.

Đây cũng là loại cây vốn mọc hoang dại trong rừng nên việc chăm sóc khá đơn giản, chủ yếu là tưới nước để cây phát triển và ra lá thường xuyên.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 6

Công đoạn cần kỹ lưỡng và mất công nhất là làm giàn cho dây leo. giàn để cây leo.

"Khi cây trưởng thành và cho thu hoạch thì không tốn nhiều công chăm sóc. Vì là cây dây leo, trồng để lấy lá nên đều đặn mỗi tuần, phải tiến hành điều chỉnh giàn, giúp cây có đủ không gian phát triển và cho lá", anh Cường chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn cây.

Bên cạnh thu nhập từ công việc buôn bán, mô hình trồng cây sương sâm còn giúp anh Cường có thêm khoản tiền từ 10-12 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, trong thời gian tới khi mở rộng diện tích, anh Cường hy vọng sẽ tạo việc làm cho một số lao địa phương, tiến xa hơn là trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật để thanh niên tại chỗ cùng phát triển kinh tế.

Trồng loài cây hoang dại, nhà nông cao nguyên hái tiền triệu mỗi tháng - 7

Mô hình trồng cây sương sâm còn giúp anh Cường có thêm khoản tiền 10-12 triệu đồng/tháng.

"Cây sương sâm ít sâu bệnh, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh chết dây để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ngày ngày phải ở ngoài vườn cây. Mỗi ngày chỉ dành ra vài tiếng đồng hồ để thu hoạch và tưới nước, chăm sóc vườn sương sâm là đủ", anh Cường cho biết thêm.

Được biết, mô hình trồng sương sâm lấy lá cũng đã xuất hiện tại TP Gia Nghĩa, huyện Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, nhiều chủ vườn còn mạnh dạn đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng tại các tỉnh phía Bắc.

Với chi phí đầu tư thấp, không tốn công chăm sóc và tận dụng diện tích đất vườn, mô hình trồng cây sương sâm lấy lá đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Cây sương sâm chủ yếu được trồng để lấy lá. Lá được rửa sạch sau đó vò nát cùng với nước để cho ra thạch sương sâm sau khi để lạnh. Ngoài lá, rễ và thân của loài cây này cũng được sử dụng để làm một vị thuốc trị bệnh.