Gần Tết, công nhân làm thêm đủ nghề với hy vọng có thu nhập
(Dân trí) - Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết, do tác động của Covid-19, nhiều công nhân ở Hà Nội đã phải làm thêm các nghề "tay trái" với hy vọng có thêm thu nhập.
Làm nghề tay trái
Trao đổi với PV, anh Hoàng Văn Tuấn (quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) đang làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, cho biết: "Đợt dịch Covid-19 thứ nhất, tôi nằm trong diện cắt giảm của công ty. Vừa rồi tôi xin được việc vào một công ty lắp ráp nhưng 1 tuần chỉ làm có 5 ngày lại không được tăng ca. Từ đầu năm đến nay tôi chẳng dư được đồng nào gửi về quê".
Tết sắp đến, áp lực về kinh tế đè nặng lên đôi vai, anh Hoàng Văn Tuấn xin làm thêm công việc lắp ráp tủ ở một xưởng sản xuất gần phòng trọ vào những ngày rảnh rỗi.
"Tôi làm công nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, cộng với tiền đi lắp tủ thuê cũng được gần 8 triệu đồng. Sắp Tết rồi, cứ trông chờ mãi vào lương công nhân thì không có tiền mà về quê" - anh Hoàng Văn Tuấn cho biết.
Đã ra Hà Nội làm công nhân được 5 năm, các năm trước thời điểm này, anh Hoàng Văn Tuấn làm không hết việc với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhưng năm nay, để có thể xin được việc làm đã là điều may mắn đối với anh.
"Nhiều người làm cùng tôi ở công ty đều đã phải chạy xe ôm, giao hàng, hay buôn bán thêm một vài mặt hàng nông sản của quê hương. Chúng tôi chật vật bám trụ lại Hà Nội. Về quê bây giờ cũng chẳng có nghề nào khác ngoài làm ruộng" - anh Hoàng Văn Tuấn nói.
Mong được tăng ca
Vừa tan ca làm sáng, chị Lê Thị Thúy (quê ở Sơn Tây, Hà Nội) - công nhân cho một nhà máy ở KCN Bắc Thăng Long, dọn khẩu trang ra cổng khu công nghiệp bán cho công nhân.
"Trước đây, mỗi tháng cả tăng ca tôi làm được 9 triệu đồng, từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty thiếu đơn hàng không có việc để tăng ca. Thu nhập giảm quá một nửa, thời gian rảnh rỗi nhiều nên tôi nhập khẩu trang từ một nhà máy sản xuất để bán lại cho anh chị em công nhân tại khu công nghiệp" - chị Lê Thị thúy tâm sự.
Theo chị Lê Thị Thúy, việc bán khẩu trang cũng chỉ là công việc làm thêm, thu nhập đem lại chẳng đáng bao nhiêu so với việc tăng ca ngày trước. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu, hiện tại chị chưa thể tìm cho mình một công việc nào khác để có thêm thu nhập sắm Tết.
Cùng cảnh "khát" việc, chị Nguyễn Hồng Quyên trú tại Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội cho biết: " Tôi làm công nhân cho một công ty sản xuất bao bì tại KCN Bắc Thăng Long. 6 tháng qua, từ việc tôi làm 2 ca một ngày nay chỉ được làm 1 ca, 2 vợ chồng đều làm công nhân nên kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn".
Không chịu ngồi yên một chỗ khi Tết sắp đến gần, chị cùng một người bạn quyết định nhập quần áo về bán, nhung công việc này đem lại thu nhập cũng không cao.
"Tết sắp đến rồi, tôi cố kiếm cho các con bộ quần áo mới. Đến bây giờ mà công ty chưa nhiều việc thì chỉ còn hy vọng vào năm sau, mọi năm đến tháng 12 là chúng tôi làm quên ăn, quên ngủ rồi" - chị Nguyễn Thị Hồng Quyên tâm sự.
Nếu như trước đây, những câu chuyện công nhân bị ép tăng ca quá nhiều đến mức phải đình công hay nghỉ việc nay đã không còn nhiều. Nhiều người vì thu nhập thấp mà tìm đến những công việc làm thêm khác và mong muốn được tăng ca vì chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Không chỉ chị Quyên, chị Thúy và anh Tuấn mà nhiều công nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn đang chật vật kiếm tiền để trang trải dịp Tết. Theo LĐLĐ TP Hà Nội, thành phố hiện có 9 khu công nghiệp, chế xuất thu hút hơn 600 dự án đầu tư tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm đến trên 90%.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 khiến hơn 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và hơn 30.000 lao động bị mất việc làm, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành như dịch vụ, du lịch, dệt may, da giày. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội, không ít doanh nghiệp vẫn nằm trong tình trạng khó khăn...
Hỗ trợ người lao động đón Tết
Trước thực tế đó Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động đảm bảo cho mọi công nhân, lao động được đón Tết với tinh thần vui tươi, phấn khởi, an toàn, thiết thực.
Cụ thể, LĐLĐ TP Hà Nội dự kiến trích khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Tân Sửu. Trong đó, hơn 5 tỷ đồng tiền mặt sẽ được trao cho 5 5.000 công nhân và 500 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho con có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tổ chức 40 chuyến xe ô tô đưa 1.200 công nhân khó khăn, mang thai và có con nhỏ về quê ăn Tết...