Gần 27.000 lao động có việc làm trong 5 năm qua

Văn Chung

(Dân trí) - Giai đoạn 2016-2020, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh đã tổ chức 218 Phiên GDVL gồm cả tại chỗ và lưu động. Số người đăng ký tìm việc làm 38.161 người trong đó 26.982 người tìm được việc làm.

Đây là thông tin triển khai dự án phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016 - 2020 của Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh) trong 4 năm qua.

Theo ông Đinh Văn Duyệt - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh - thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Trung tâm DVVL Bắc Ninh tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm theo đề án phát triển thị trường lao động của tỉnh, các hoạt động này đã kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, trường dạy nghề kết nối với người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, tạo việc làm.

Công tác triển khai chính sách LĐVL ở Bắc Ninh

Thu thập thông tin thị trường lao động

Trung tâm đã xây dựng biểu mẫu thống kê nguồn cung - cầu lao động tại Sàn giao dịch việc làm theo từng tuần, xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin lao động tại doanh nghiệp, thu thập thông tin về cầu lao động tại doanh nghiệp. Khai thác cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động từ cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động đã được cục Việc làm chuyển giao, cung cấp thông tin thị trường lao động.

Liên quan tới công tác truyền thông, Trung tâm cũng đã biên tập và cung cấp hơn 500 tin bài thị trường lao động trong nước và XKLĐ trên website vlbacninh.vieclamvietnam.gov.vn; Bảng tin trung tâm, hệ thống phát thanh xã, phường trong tỉnh, cung cấp 200 bản tin tuyển dụng đến các tỉnh vùng núi phía bắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Trung tâm đã cung cấp thông tin thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu cho khoảng 128.200 lượt ứng viên dự tuyển để doanh nghiệp thực hiện phỏng vấn tuyển chọn, cung cấp thông tin thị trường lao động cho 24.000 học sinh, sinh viên các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Gần 27.000 lao động có việc làm trong 5 năm qua - 1

Phân tích, dự báo

Giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã triển khai thu thập, điều tra khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp/năm về biến động tăng giảm lao động, xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp khảo sát 7.000 doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong các loại hình doanh nghiệp phục vụ công tác dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động.

Về cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động giai đoạn 2016 - 2019, Trung tâm đã điều tra cung lao động hơn 1,65 triệu hộ, điều tra cầu lao động 13,9 ngàn doanh nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm dịch vụ việc làm được Cục Việc làm cấp kinh phí nhằm phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người.

Gần 27.000 lao động có việc làm trong 5 năm qua - 2

Nhiều hoạt động giới thiệu việc làm thu hút thanh niên Bắc Ninh (Ảnh: Internet)

Nhằm giúp người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã tích cực và chú trọng hơn trong công tác giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động và đã đạt được kết quả nhất định…

Một số đề xuất kiến nghị

Thời gian tới, Trung tâm kiến nghị Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) và các ngành trong tỉnh quan tâm một số nội dung chính.

Đầu tư cho các Trung tâm dịch vụ việc làm nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động, tư vấn cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; tăng cường đầu tư để tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, đặc biệt cho người lao động thất nghiệp để họ sớm có việc làm ổn định cuộc sống…

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp có chính sách thu hút, sử dụng lao động phù hợp (ví dụ: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ lao động ngoại tỉnh hòa nhập môi trường sống mới…) để người lao động yên tâm gắn bó làm việc trong tỉnh và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm. Đặc biệt, đẩy nhanh việc xã hội hóa công tác dạy nghề, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nghề cho người lao động.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người lao động, cần tiếp tục tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động có mức lương và các điều kiện làm việc phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm.