Quảng Nam:

Gần 1.400 lao động có việc làm thông qua phát triển kinh tế địa phương

(Dân trí) - Từ tháng 5/2010 đến nay, dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương” (LED) hợp tác với Tỉnh đoàn Quảng Nam đã tạo cho gần 1.400 lao động ở nông thôn Quảng Nam, trong đó có 60% là thanh niên có cơ hội tiếp cận việc làm.

Đây là chiến dịch (do tổ chức lao động Quốc tế - ILO tài trợ) được xây dựng nhằm mục đích trang bị cho thanh niên Quảng Nam hiểu biết về kinh doanh, quy trình khởi nghiệp cũng như các nhà cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp.

Đồng thời, chiến dịch cũng giới thiệu những mô hình thanh niên lập nghiệp thành công để nâng cao nhận thức cho thanh niên về tầm quan trọng của khởi nghiệp và xem khởi nghiệp như là một sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Gần 1.400 lao động có việc làm thông qua phát triển kinh tế địa phương - 1
Cơ sở sản xuất mây tre của chị Trần Thị Hồng Ánh (xã Bình An, Thăng Bình).

Dự án “Tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương” được triển khai trên 4 huyện của tỉnh Quảng Nam là Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành và Điện Bàn nhằm thúc đẩy 2 chuỗi giá trị là mây tre và rau sạch.

Chủ cơ sở mây tre An Thái (xã Bình An, Thăng Bình) chị Trần Thị Hồng Ánh cho biết, sau khi tham những lớp tập huấn của các cán bộ dự án, đến nay chị đã trực tiếp dạy nghề cho hàng chục chị trong thôn có được nghề đan mây tre để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo chị Ánh, tại cơ sở chị hiện có gần 10 lao động phụ nữ hầu hết là người trong xóm đã được chị truyền nghề và đang tiếp tục công việc với mức thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, công việc này không đòi hỏi áp lực về thời gian, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu rất hợp với phụ nữ, nhất là trong những lúc nông nhàn. Có thể nhận về nhà đan khi nào xong thì mang sản phẩm đến giao.

Chị Ánh cho biết: Thách thức lớn nhất của dự án để thu hút lực lượng lao động nông thôn, nhất là đối tượng thanh niên là phải tăng cường công tác quản bá thông qua các hội đoàn thể để họ nhìn thấy cơ hội cho mình, qua đó mục tiêu của dự án là tạo việc làm cho thanh niên thông qua phát triển kinh tế địa phương sẽ đạt được.

Đối với chuỗi giá trị rau sạch. Tại HTX sản xuất rau sạch thôn Châu Lang Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên) có 5 ha chuyên trồng rau sạch với 21 hộ được triển khai từ tháng 4/2011 đến nay.

Chủ nhiệm HTX Lê Đông Sang cho biết, thông qua tài trợ của dự án LED, các cán bộ đã thuê chuyên gia về hướng dẫn cách thức trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với các hộ nằm trong dự án.

Ông Sang cho biết, trước đây chỉ sản xuất rau theo phương pháp truyền thống, giờ chuyển sang trồng rau sạch thì quy trình phải khác để nâng cao giá thành. Tuy nhiên, hầu hết tầng lớp thanh niên ở đây đều không mặn mà với đồng ruộng. Tuy nhiên, lực lượng nông dân phải có tầng lớp kế thừa nên việc sản xuất rau sạch theo hướng hiện đại thu nhập sẽ tăng lên, do đó lực lượng thanh niên sẽ quay về với đồng ruộng.
Gần 1.400 lao động có việc làm thông qua phát triển kinh tế địa phương - 2
HTX sản xuất rau sạch thôn Châu Lang Bắc (xã Duy Phước, Duy Xuyên)

Với mục tiêu tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng thanh niên trong suốt chiến dịch của dự án, lực lượng lao động này sẽ được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và có cơ hội được tư vấn về các vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp.

Các nguồn thông tin sẽ được cung cấp qua các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp. Những nội dung mang tính giáo dục về phương pháp khởi nghiệp và bài học thực tế từ những doanh nghiệp trẻ thành công tại Quảng Nam được đánh giá sẽ đóng vai trò chủ đạo giúp đạt được được những mục tiêu đã đề ra của chiến dịch.

Theo ILO, trong gần 2 năm triển khai dự án, đã có gần 1.400 lao động nông thôn tham gia dự án, trong đó có 60% là lực lượng lao động thanh niên. Đây là những giảng viên nguồn để đào tạo lực lượng lao động nông thôn kế thừa.

Bà Mimi Groenbech, Cố vấn trưởng dự án cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình điển hình, thông qua đó áp dụng nhân rộng ra mô hình này trên địa bàn. Về mức thu nhập của lực lượng lao động có tăng hay không trước và sau khi tham gia dự án, bà Mimi Groenbech cho biết: Sau khi kết thúc dự án vào cuối năm nay, chúng tôi mới nhìn nhận lại thực tế và hiệu quả mà dự án mang lại. Khi đánh giá giữa kỳ của dự án thì có đến 70% chỉ số của dự án đã đạt được và các cơ quan chức năng đề nghị kéo dài thêm thời gian dự án để đào tạo thêm lực lượng lao động, nhất là cho thanh niên ở nông thôn. Bà Mimi cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của dự án trên cơ sở các nỗ lực của các đối tác tại địa phương.

 Công Bính