Gần 1.000 công nhân “đội nắng” đình công đòi quyền lợi

(Dân trí) - Sáng ngày 6/8, gần 1.000 công nhân đang làm việc tại công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An đóng tại khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã đồng loạt nghỉ việc tập thể yêu cầu công ty giải quyết các quyền lợi lao động liên quan.

Trước khi bắt đầu vào giờ làm việc, sáng 6/8, gần 1000 công nhân của công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An đóng tại khu C, khu Công nghiệp Nam Cấm, Nghi Lộc (Nghệ An) đã không vào công xưởng mà tập trung trước cổng công ty, đòi gặp giám đốc để đòi quyền lợi.

Gần 1.000 công nhân “đội nắng” đình công đòi quyền lợi
Công nhân công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An đình công sáng ngày 6/8 (Ảnh: Doãn Hòa)

Theo nhiều công nhân, lý do khiến họ đình công là một số quyền lợi cũng như môi trường làm việc chưa được công ty đáp ứng như: tiền lương, phụ cấp thấp trong khi áp lực công việc căng thẳng, quy định mới về việc làm ca bất hợp lý, cách cư xử của chủ sử dụng lao động thiếu tôn trọng công nhân, chất lượng bữa ăn không được cải thiện…

Chị N.T.Q. (26 tuổi, trú tại xã Nghi Khánh, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, hiện nay, mức lương cơ bản tại công ty là 2.030.000 đồng, ngoài ra còn có 200.000 đồng phụ cấp xăng xe, 150.000 đồng tiền chuyên cần. Nếu một tháng làm đầy đủ 26 công và trừ đi các khoản bảo hiểm thì thực lĩnh của mỗi người khoảng 2,1 triệu đồng. Do công ty không có chỗ ở cũng như tiền hỗ trợ nhà ở nên nhiều công nhân ở xa đành chấp nhận thuê trọ gần công ty với giá cả đắt đỏ. “Áp lực công việc rất căng thẳng do chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với các linh kiện điện tử, một số người còn bị quản lý chửi mắng…trong khi lương lại thấp. Nhiều lần lý do khách quan từ công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc nhưng vẫn không cho hưởng 70% lương”, chị Q. cho biết.

Từng làm việc ở một công ty điện tử ở miền Bắc nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chị B.T.L.N. (23 tuổi, trú tại xã Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An) quay trở về quê và xin vào công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam để làm việc. “Lúc phỏng vấn, phía công ty hứa 6 tháng sẽ tăng lương một lần nhưng chúng tôi làm đây được 8 tháng rồi mà lương vẫn như cũ, thậm chí bằng cả những người mới vào vài tháng. Công ty có phụ cấp 18.000 đồng/bữa ăn trưa nhưng chúng tôi thấy bữa ăn không đảm bảo mỗi suất 18.000 đồng và mất vệ sinh”, chị N. cho hay.

Ngoài ra, cũng theo các công nhân ở đây cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc đình công của họ theo là từ ngày 12/8 tới, công ty này sẽ có chủ trương đổi ca sản xuất, ca 1 từ 4h30 phút sáng đến 13h30 phút chiều và ca 2 từ13h30 phút chiều cho đến 22h30 phút đêm và không cho công nhân đổi ca là không hợp lý. Thời gian làm việc mỗi ca sẽ là 9 tiếng (bao gồm cả 1 tiếng nghỉ ngơi và ăn giữa buổi) trong khi phụ cấp tăng ca không có. Nhiều công nhân nữ sống ở xa công ty rất lo lắng trước quyết định đột ngột này của công ty.

Gần 1.000 công nhân “đội nắng” đình công đòi quyền lợi
Do chưa có tổ chức công đoàn của công ty nên những kiến nghị, phản ánh của công nhân bị công ty "phớt lờ"

Trước khi công ty quyết định vấn đề này, toàn thể công nhân của đơn vị đã có đơn kiến nghị tới ban lãnh đạo công ty về sự bất cập trên và yêu cầu ngày 5/8/2013 phải trả lời cho toàn thể công nhân biết. Tuy nhiên,đã 2 ngày trôi qua, lãnh đạo công ty vẫn chưa chưa có động thái gì khiến công nhân đình công đòi tăng lương giảm giờ làm. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên ban lãnh đạo công ty nhưng họ cứ phớt lờ. Do chưa có tổ chức công đoàn của công ty nên chúng tôi cũng không biết kêu ai nên mới phải nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi”, chị H.T.Q. (22 tuổi, xã Nghi Yên, Nghi Lộc) bức xúc nói.

Trước tình hình căng thẳng trên, phía công ty yêu cầu đại diện một số công nhân vào để bàn bạc nhưng đề nghị này phía công nhân không chấp nhận bởi lý do nếu đứng ra đại diện đòi quyền lợi sẽ bị đuổi việc. Mãi đến 11h, phía công ty đi đến thoả thuận 13h30 phút sẽ mời toàn bộ số công nhân đình công vào hội trường công ty để đối thoại trực tiếp với giám đốc. Quá trưa, mặc dù trời nắng gắt nhưng gần 1.000 công nhân của công ty này vẫn “đội nắng”, cầm khẩu hiệu để đòi quyền lợi và mang theo nước, lương thực “tiếp tế” quyết bám trụ trước cổng công ty.

Gần 1.000 công nhân “đội nắng” đình công đòi quyền lợi
Quá trưa, gần 1.000 công nhân vẫn "đội nắng" tập trung trước công ty để đòi quyền lợi (Ảnh: Doãn Hòa)

Đến hơn 16h cùng ngày, mặc dù công nhân bao kín công ty đòi được đối chất như đã hứa thì chỉ nhận được câu trả lời từ phía bảo vệ công ty rằng chiều nay công ty vẫn chưa làm việc được. Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc, nhiều phóng viên các báo đài muốn tiếp cận đại diện phía công ty để có câu trả lời thì cũng bị cấm cản từ phía bảo vệ, với lý do công ty chưa thống nhất được nội dung trả lời.

Ngay sau khi xảy ra sự việc công nhân đồng loạt nghỉ việc, UBND Huyện Nghi Lộc, đại diện Ban quản lý KCN Nam Cấm đã thành lập đoàn tiến hành nắm bắt tình hình và yêu cầu công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chi nhánh Nghệ An thực hiện đúng Luật lao động. Mặt khác vận động công nhân trở lại làm việc tránh tổn thất cho công ty.

Cuối ngày 6/8, các công nhân cho biết, họ sẽ không quay trở lại công ty làm việc nếu các quyền lợi cũng như môi trường làm việc không được phía công ty giải đáp thỏa đáng.

Công ty TNHH Điện tử BSE chi nhánh Nghệ An được khởi công xây dựng vào ngày 5/6/2012 tại Khu C - Khu Công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An) có tổng mức đầu tư 30 triệu USD trên diện tích 5,7 ha, với quy mô sản xuất 250 triệu sản phẩm/năm. Dự kiếnkhi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương, nộp ngân sách 65 tỷ đồng/năm. Đây là công ty có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, thuộc Tập đoàn BSE chuyên sản xuất và kinh doanh loa, míc…và là đối tác cung cấp linh kiện điện tử cho các hãng điện thoại.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy