1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Được ủy quyền nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Ông Huỳnh Văn Lượm làm việc tại một công ty Nhật Bản ở tỉnh Bình Dương, đóng BHXH được 4 năm 4 tháng. Ông định nghỉ việc để đi du lịch nước ngoài 3 tháng, sau đó xin làm việc ở công ty khác. Ông Lượm hỏi, ông có được xét duyệt hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng này không?

Được ủy quyền nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp - 1

Nếu được xét duyệt mà ông không ở Việt Nam để đến trung tâm giới thiệu việc làm trình diện và thông báo việc tìm kiếm việc làm hàng tháng thì xử lý như thế nào? Ông Lượm có thể ủy quyền cho em ruột nộp hồ sơ và nhận tiền trợ cấp không?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông Lượm như sau:

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 của Luật này.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 của Luật này.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp một bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp, ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp không phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.

- Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

- Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ.

- Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề.

- Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 3 tháng.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền.

- Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

- Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Như vậy, trường hợp của ông Lượm có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định thì ông được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không phải thực hiện việc thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng hoặc không phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định nêu trên.

Theo Chinhphu.vn