Đứng hình khi bị lộ group chat "mắng sếp như quát con"

Hoài Nam

(Dân trí) - Thùy Giang méo mặt khi group chat (nhóm trò chuyện) của mình cùng ba đồng nghiệp thân thiết, chuyên nói xấu sếp để xả bức xúc, áp lực... lộ ra ngoài.

Nghỉ việc vì nói xấu sếp

Mới đây, Thùy Giang, nhân viên làm việc tại phòng kinh doanh của một công điện tử N. ở Tân Bình, TPHCM được sếp gọi vào phòng nói chuyện riêng. 

Giám đốc kinh doanh đưa cho Giang xem ảnh chụp màn hình group chat Zalo của hội "sếp là bể khổ" do cô lập ra, tham gia cùng với ba đồng nghiệp thân thiết khác trong công ty. Anh quản lý mặt đanh lại. Còn Giang "đứng hình", không biết phải nói gì.

Đứng hình khi bị lộ group chat mắng sếp như quát con - 1

Nói xấu sếp là "món ăn tinh thần" của nhiều nhân viên (Ảnh: Vietlaw).

Trong cuộc họp sau đó, dù không chỉ đích danh nhưng vị giám đốc nhắc đến tình trạng nhân viên xì xào sau lưng, bàn tán không chính xác về lãnh đạo công ty. Đáng ngại là những thông tin đó không chỉ khuôn trong nội bộ công ty mà còn lan ra ngoài... 

Thùy Giang kể lại, cô không biết sếp có đọc được nội dung trò chuyện trong nhóm hay không vì nếu có thì thật khủng khiếp vì hội "sếp là bể khổ" nói sếp không ra gì, dành những lời lẽ mắng sếp như quát con. Khi tám hay nói xấu sếp, tùy tâm trạng, cảm xúc, kiểu gì thì mọi người cũng tuôn ra. 

Giang nói: "Sau sự việc, chúng tôi cũng đang lăn tăn có nên nghỉ việc không. Chưa hẳn sếp tệ hay nhân viên không gắn bó với công ty mà việc nói xấu sếp có khi như một nhu cầu vậy, một cách thức để xả những bức bối, va chạm thường ngày". 

Anh Nguyễn Mạnh Trung - Giám đốc một công ty sản xuất, kinh doanh sơn ở quận 11, TPHCM kể, trước đây anh cũng từng là nhân viên, cũng từng say sưa đi nói xấu sếp, nhưng nói thì nói, làm cứ làm, gắn bó vẫn cứ gắn bó... 

Sau này làm quản lý, không ít lần anh nắm thông tin nhân viên bàn tán sau lưng mình, lập nhóm nói xấu sếp hay đi ăn cũng đưa sếp ra làm chủ đề bàn luận. Nhưng anh chỉ dừng lại ở mức biết, nghe rồi thôi, không lấy đó làm tiêu chí để đánh giá nhân sự mà cố gắng nhìn vào những gì họ làm. 

Từ trải nghiệm của mình, anh Trung nhìn nhận, không phải nhân viên nào nói xấu sếp cũng đều có tư tưởng chống đối, nhiều người thật sự rất yêu mến sếp, rất trung thành. Họ buôn cho có chuyện, nói để xả những ấm ức hàng ngày như một món ăn tinh thần chứ không hẳn ác ý, nhằm vào sếp.

"Tôi từng rời một vài nhóm nói xấu sếp ở công ty. Vì những lời nói, bình luận, nhận xét của nhiều người ở đó vượt qua sự bàn tán mà trở thành xúc phạm người khác", anh Nguyễn Văn Thảo, nhân viên sale một công ty bao bì ở TPHCM nói.

Họ chỉ dừng lại ở chỗ "nói xấu" còn vẫn làm việc say sưa, hiệu quả, yêu công việc, yêu, gắn bó với công ty. Hay nói một cách khác, đó là chuyện "nói xấu vô hại". 

Theo anh Trung, quan trọng nhất là nắm bắt được cả quá trình và thái độ. Với trường hợp nào nhân viên hành động vượt quá mức độ "nói xấu" mới đáng ngại. Đó là khi họ bêu rếu công ty, tiết lộ thông tin nội bộ ra bên ngoài, có tư tưởng hạ bệ hoặc phá hoại. Với những nhân viên kiểu này chắc chắn không thể hợp tác. Ở công ty anh, đã có nhân sự ở trường hợp này phải nghỉ việc. 

Say sưa nói sau lưng vì ngại... nói thẳng 

Về vấn đề nhân viên người Việt hay "bàn tán sau lưng", nữ Giám đốc làm việc cho tập đoàn nước ngoài tại TPHCM cho rằng, việc đó xuất phát từ đặc điểm của nhiều người Việt là ngại tranh luận, ngại góp ý thẳng thắn, thậm chí là "nói một đằng nhưng nghĩ một nẻo".

Khi họp hành, lấy ý kiến thường phía trên nói thế nào họ gật thế đó, không tranh luận, không phản bác dù thấy vô lý, không đồng tình. Nhưng khép lại cuộc họp, trong một không gian an toàn, họ nói rất say sưa, có khi thành... nói xấu. 

Đứng hình khi bị lộ group chat mắng sếp như quát con - 2

Môi trường làm việc cần xây dựng văn hóa tranh luận (Ảnh: CareerBuiler.com).

"Điều này xuất phát từ yếu tố văn hóa, giáo dục. Ngay từ bé, khi đi học, trẻ nhỏ thường đã được dạy "nghe lời là ngoan", "cãi lại là hỗn" mà chưa có, chưa khuyến khích văn hóa phản biện, tranh luận", người này nêu quan điểm. 

Theo bà, việc ngại đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm trong môi trường làm việc kéo theo nhiều hạn chế. Công ty không ghi nhận được tâm tư của người lao động nên khó khăn trong việc xây dựng, thay đổi các chính sách, cải cách phương thức làm việc. Người lao động bàn tán không góp ý thẳng nên khó cải thiện vấn đề.

Không ủng hộ việc nhân viên bàn tán sau lưng nhưng vị nữ Giám đốc cho rằng, người quản lý cần nắm được tâm lý của người lao động để tránh xung đột, suy diễn không đáng có. Có khi thông qua nội dung nói xấu, lãnh đạo còn có thể nắm được phần nào tâm tư của người lao động.  

Quản lý không nên "bắt chẹt" khi phát hiện nhân viên nói xấu sếp nhưng ở góc độ người lao động cũng phải xác định giới hạn trong lời nói, ứng xử, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất là trên mạng xã hội. 

Trong một chương trình về ứng xử trên mạng xã hội, Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Đại học An ninh nhân dân chia sẻ, bất kỳ ai khi tham gia mạng xã hội cũng cần tuân thủ những quy tắc nhất định. Nếu không nói được những điều lạc quan thì học cách giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác. 

Hãy nhớ rằng, những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn, tính cách, lối sống của bạn... Kể cả tên gọi các hội nhóm, diễn đàn, nhóm riêng tư mỗi người tham gia, dù ảo nhưng cũng đều thể hiện, phản ánh thật về con người mình.