1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau

Quốc Triều

(Dân trí) - Dây thép gai, chông lồ ô được người dân vùng cao Quảng Ngãi cột vào thân cau để chống trộm. Chính quyền địa phương phải tuyên truyền để người dân không sử dụng những biện pháp chống trộm nguy hiểm.

Nhiều năm qua, giá cau tăng cao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Quảng Ngãi, đặc biệt là người dân huyện miền núi Sơn Tây. Cau tăng giá kéo theo tình trạng trộm cau. Người dân ở đây dùng chông lồ ô, dây thép gai để rào, chống trộm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 1

Huyện Sơn Tây có gần 900ha cau, hơn một nửa diện tích cau đang cho trái. Nhiều năm qua, giá cau tăng cao đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Riêng từ đầu năm đến nay, có thời điểm giá cau lên đến 60 nghìn đồng/kg.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 2

Cau được người dân huyện Sơn Tây trồng trên rẫy, gần đường giao thông, cách xa khu dân cư. Do đó, khi cau tăng giá lại xuất hiện tình trạng trộm cau. Nhiều chủ vườn phải thức trắng đêm canh trộm. Có người đã lựa chọn chông lồ ô, dây thép gai để bẫy, ngăn trộm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 3

Khu vườn này nằm tại xã Sơn Mùa với khoảng 200 cây cau đang cho trái. Vườn nằm bên tuyến giao thông liên huyện nên rất dễ bị trộm. Vì vậy chủ vườn đã dùng chông lồ ô vót nhọn cột chi chít vào thân cau để ngăn trộm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 4

Cây lồ ô được chẻ đôi rất sắc bén, đầu vót nhọn hướng xuống phía dưới. Chông lồ ô là mối đe dọa với những kẻ trộm vào ban đêm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 5

Nhiều cây cau rất sai trái. Mỗi buồng có thể đạt 6-7kg. Thời điểm giá cao, mỗi buồng cau có thể bán được 300-400 nghìn đồng. Đây chính là "đích ngắm" của những kẻ trộm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 6

Đối với những cây cau sai trái, chủ vườn còn dùng dây thép gai cuốn quanh thân để chống trộm.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 7

Dây thép gai được quấn thành nhiều vòng ở độ cao khoảng 2-3m. Khi kẻ trộm bám vào thân cau để leo lên rất dễ gây thương tích. Có thời điểm người dân còn bẻ nhỏ lưỡi dao lam gắn vào thân cau chống trộm. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền để người dân không sử dụng những biện pháp chống trộm có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 8

Gia đình anh Đinh Văn Mẽo có vườn cau khoảng 300 cây, trong đó có 2/3 số cau đang cho trái. Vườn cách nhà hơn 1km nên anh Mẽo rất sợ bị trộm. Tuy nhiên, anh Mẽo không dùng chông hay dây thép gai mà bỏ công canh trộm. "Hồi trước gia đình cũng có làm các cách nhưng giờ chính quyền tuyên truyền nên không dùng chông, dây thép gai quấn vào cây nữa. Làm vậy nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người khác. Vậy nên khi cau cho trái là tôi ra rẫy thức canh trộm", anh Mẽo cho biết.

Dùng chông, dây thép gai chống trộm cau - 9

Ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết, cây cau đang cho giá trị kinh tế cao nên huyện đã hỗ trợ người dân phát triển diện tích. Nhiều năm qua, có hộ thu tiền tỷ từ cây cau. Thời điểm cau tăng giá lại xuất hiện trộm nên người dân dùng nhiều cách bảo vệ vườn cau. "Trước kia người dân dùng nhiều cách chống trộm nguy hiểm nhưng nay được tuyên truyền, hướng dẫn nên đã giảm nhiều. Bây giờ người dân thường túc trực vào ban đêm để bảo vệ vườn cau", ông Khuyến thông tin.