1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đưa ra mức lương hấp dẫn vẫn khó tuyển lao động

Xuân Sinh

(Dân trí) - Đầu tháng 4/2022, 52 doanh nghiệp ở Hà Tĩnh thông báo tuyển 6.201 lao động, tuy nhiên công tác tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, thuộc Sở Lao động và Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 4/2022, toàn tỉnh có 52 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 6.201 lao động. Trong đó, 12 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực may mặc có nhu cầu tuyển dụng lớn với 5.688 lao động, còn lại các doanh nghiệp tuyển dụng ở các lĩnh vực, ngành nghề cơ khí, xây dựng…

Đi vào hoạt động từ tháng 12/2021, Công ty cổ phần May Five Star Hà Tĩnh, tại Khu Công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) hiện có hơn 600 công nhân làm việc.

Để mở rộng sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm hơn 1.000 công nhân, với nhiều chế độ phúc lợi dành cho người lao động như: Tăng lương cơ bản từ 3,07 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng, thưởng tuân thủ nội quy tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng, lương tăng ca không giới hạn (ít nhất 500.000 đồng), tính lương theo sản phẩm, hỗ trợ suất ăn theo ca, hỗ trợ đồng phụ, xe đưa đón miễn phí.

Đưa ra mức lương hấp dẫn vẫn khó tuyển lao động - 1

Nhu cầu việc làm trên địa bàn lớn nhưng việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công ty còn tuyển 22 nhân sự ở các vị trí quản đốc phân xưởng, tổ trưởng chuyền may, kỹ thuật chuyền, kỹ thuật trưởng, giám đốc sản xuất với mức lương từ 7-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau 2 tuần thông báo nhưng hiện công ty mới tuyển được hơn 30 người.

Một cán bộ Phòng nhân sự Công ty CP May Five Star Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân chính khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn là do lao động ở các địa phương, khu vực gần trụ sở công ty không nhiều, một số đã tuyển vào, còn phần lớn lao động hồi hương lại lựa chọn phương án tiếp tục vào miền Nam.

"Tôi nghĩ mức lương của công ty đưa ra đã khá cao ở một địa bàn miền núi như Hương Sơn. Công nhân ở xa thì cũng đã có xe công ty đưa đón. Hy vọng thời gian tới kết quả tuyển dụng sẽ tốt hơn", vị này nói.

Tương tự, trong tháng 4/2022, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh) cũng đang tuyển gấp 1.000 công nhân may, không yêu cầu kinh nghiệm, trình độ học vấn, nếu chưa có tay nghề sẽ được đào tạo miễn phí.

Công nhân làm việc tại công ty được tham gia đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và nhiều chế độ phúc lợi hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng như nhiều đơn vị khác, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đang gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Đưa ra mức lương hấp dẫn vẫn khó tuyển lao động - 2

Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đều tổ chức các phiên giao dịch việc làm, để kết nối các doanh nghiệp tuyển dụng với người lao động.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài tham gia sàn giao dịch việc làm, các doanh nghiệp liên tục đăng thông báo tuyển dụng qua cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc lao động được đào tạo nghề không phù hợp với nhu cầu cũng đang là nguyên nhân khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, cho biết, việc tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Tĩnh còn gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: Mức thu nhập trên địa bàn Hà Tĩnh chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động; năng lực của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; người lao động chưa thích ứng nhanh trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, trước nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị đã xây dựng các phương án kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm cố định, online, lưu động...

Ngoài ra, đơn vị này sẽ tăng tần suất, đa dạng hóa hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị định hướng việc làm, tư vấn trực tiếp.

"Trung tâm cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, các trường dạy nghề chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo nguồn "cung" đáp ứng "cầu" lao động", bà Hương nói.