Đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào giảng dạy ở trường Đại học

Bộ KH&CN cùng Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, trao đổi để có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên.

Phong trào khởi nghiệp (hay còn gọi là start-up) ở Việt Nam đang trở nên phổ biến và được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Trên thế giới, có nhiều quốc gia khởi nghiệp thành công như Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Singapore tuy nhiên cũng có một số quốc gia, phong trào này không thực sự thành công.

Việt Nam đi sau nhưng không quá chậm trong phong trào khởi nghiệp và có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Trên thực tế, khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng vàng. Đây là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Nói về những thuận lợi và khó khăn đối với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: "Là người đang theo dõi, quản lý về hoạt động khởi nghiệp, tôi có cảm nhận đây là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, Bộ đã và đang hỗ trợ hết sức cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam (Ảnh: Bộ KH&CN cung cấp)
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, Bộ đã và đang hỗ trợ hết sức cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam (Ảnh: Bộ KH&CN cung cấp)

Điều này thể hiện qua các chỉ đạo của Đảng, văn bản của Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đều nói về khởi nghiệp… Bên cạnh đó, trong tâm lý của xã hội hiện nay, mọi người nói đến khởi nghiệp rất nhiều, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng nói nhiều về điều này và đây là những thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, nhất là việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng nhất. Ngoài việc có một tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều mà trong quá trình học tập tại các trường Đại học, kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một các đầy đủ".

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm tới vấn đề giảng dạy, đào tạo cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sinh viên có đủ kiến thức căn bản để khởi nghiệp: "Chúng tôi đang trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như một số trường có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên khối trường kỹ thuật, thương mại và những trường liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp".

Phong trào khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá là có thuận lợi lớn nhờ sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành. Ảnh: Techfest
Phong trào khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá là có thuận lợi lớn nhờ sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành. Ảnh: Techfest

Ngoài ra, vị lãnh đạo của Bộ KH&CN khẳng định, Bộ luôn sát cánh cùng các start-up, hỗ trợ, thu hút, kêu gọi đầu tư để chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp trong thời gian qua.

Cụ thể, Bộ KH&CN đã và đang huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa, đề nghị các Quỹ như Quỹ đổi mới sáng tạo Quốc gia, Dự án Fist… là những nơi có nguồn lực để giúp cho hoạt động khởi nghiệp.

Đối với các Quỹ nước ngoài, Bộ KH&CN đã tạo ra các hoạt động liên kết, đưa các khởi nghiệp đến làm việc với các Quỹ trong và ngoài nước, đưa các đơn vị khởi nghiệp sang các nước mạnh về khởi nghiệp như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Isarel … Qua đó, các bên có thể gặp gỡ, trao đổi và đi đến những hợp tác đầu tư hỗ trợ cho các start-up Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và dành một chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó nội dung hoạt động khởi nghiệp đã được đưa vào và hình thành quy định cụ thể.

Theo VTV.VN