"Dù có đi vay mượn cũng phải lo cái Tết cho người lao động"
(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề và đời sống người lao động. Trong khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp vẫn luôn trăn trở tới những người lao động đã đồng cam cộng khổ.
Không để người lao động "mất" Tết
Theo ông Nguyễn Trọng Việt, Giám đốc Công ty CP may xuất khẩu MTV (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn vào đầu tháng 6/2021, công ty của ông buộc phải dừng sản xuất để phòng, chống dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, cũng như việc thực hiện các hợp đồng với đối tác.
Hiện nay, sau khi dịch Covid-19 trên địa bàn đã tạm ổn định, hoạt động sản xuất của đơn vị đã bình thường trở lại. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị không thể thuận lợi như những năm khác.
"Hàng hóa bị đứt quãng, tình hình dịch còn phức tạp, nên các đầu mối đơn hàng lớn trong năm tiếp theo chưa có, mà chỉ có những đơn hàng nhỏ lẻ. Làm may mặc mà đơn nhỏ lẻ thì chỉ có lỗ", Giám đốc Công ty CP may xuất khẩu MTV cho biết.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng chia sẻ thêm, dù có khó khăn, thậm chí vay mượn cũng phải đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động. Trong đó, việc động viên, thưởng Tết cho người lao động được đơn vị chú trọng.
"Dịch đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, đời sống nhiều người, nhất là người lao động. Trong suốt cả năm qua, người lao động đã đồng cam, cộng khổ với mình. Họ đã vất vả cả năm trời rồi, không thể để cho người lao động không có Tết được. Nên dù có đi vay mượn cũng phải lo cái Tết cho người lao động. Cái này vừa thể hiện trách nhiệm, cũng như là để giữ chân người lao động", Giám đốc Công ty CP may xuất khẩu MTV nói, và cho biết sẽ đảm bảo mức thưởng Tết tối thiểu là 5 triệu đồng/lao động.
Mong hết dịch để đi làm
Theo chị Nguyễn Thị Quyên, nhân viên kinh doanh tại Công ty CP Lữ hành Thành Sen (Hà Tĩnh), trong suốt một năm qua dịch khiến công việc bị ngưng trệ hoàn toàn và mất đi khoản thu nhập ổn định hàng tháng.
"Hơn 2 năm nay, tôi phải "ăn bám" chồng. Thi thoảng tôi có tìm thêm một số công việc phụ để có thêm thu nhập. Tôi làm bên ngành du lịch, nên để bắt đầu với công việc khác là rất khó. Phía công ty có hỗ trợ đóng bảo hiểm và chi phí điện thoại", chị Quyên chia sẻ.
Những năm chưa có dịch Covid-19, vào dịp cuối năm, chị Quyên cũng như những nhân viên nơi đây háo hức chờ đến ngày để nhận thưởng Tết. Nhưng năm nay, chị không hy vọng nhiều. Chị chỉ mong muốn dịch Covid-19 sớm chấm dứt để được trở lại với công việc.
"Những năm chưa có dịch, các chế độ đều ổn định. Vào dịp cuối năm ngoài tiền lương tháng 13, thì còn có các khoản tiền theo doanh thu, tiền thưởng nóng cho nhân viên xuất sắc. So với các ngành khác thì ngành du lịch như chúng tôi cũng tạm ổn. Nhưng năm nay, đơn vị hầu như không hoạt động được, không có doanh thu, nên chúng tôi không hy vọng vào thưởng Tết. Chúng tôi chỉ mong hết dịch để quay trở lại với công việc", chị Quyên chia sẻ thêm.
Là người có hơn 10 năm hoạt động trong ngành du lịch, lữ hành, nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Tĩnh cảm thấy khó khăn như năm nay. Từ chỗ có 40 lao động với mức thu nhập ổn định, nhưng vì không có việc nên đến giờ, đơn vị này chỉ còn 9 lao động.
"Hai năm qua, dịch Covid-19 hoành hành, nhiều ngành nghề, trong đó có du lịch, lữ hành hầu như "đắp chiếu". Chính vì không thể hoạt động, nên cũng phải cắt giảm, tạm dừng hợp đồng lao động đối với nhiều người", ông Nguyễn Tiến Trình cho biết.
Ông Trình trăn trở khi cuộc sống của người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khó khăn vì đại dịch. Nhất là vào thời điểm cuối năm, Tết đến Xuân về.
"Chưa bao giờ thấy anh em phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh như thế này. Vì quá khó khăn nên anh em cũng không háo hức chờ đến ngày thưởng Tết như những năm trước. Là người đứng đầu đơn vị, tôi hiểu cảm giác, tâm lý của họ. Dù đang phải đi vay tiền để cầm cự, nhưng Tết đến Xuân về, mình cũng phải có chút tinh thần là cành đào, hay két bia để cảm ơn người lao động đã đồng hành", ông Nguyễn Tiến Trình chia sẻ.
Vị giám đốc trẻ cũng hy vọng, dịch sẽ sớm được khống chế để các hoạt động được trở lại bình thường. Đồng thời mong muốn trong năm tới, Chính phủ sẽ có những chính sách dài hơi và có chiều sâu hơn đối với các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài như ngành du lịch, lữ hành. Từ đó có những chính sách dành riêng cho các ngành nghề, giúp họ có thể vực dậy được sau đại dịch.
"Ví dụ ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, bị ảnh hưởng lâu dài thì sẽ hỗ trợ khác với những ngành nghề chỉ ảnh hưởng nhẹ. Như ngành du lịch, lữ hành nếu không có các chính sách dài hơi thì trong năm tới đây sẽ rất khó tồn tại", ông Nguyễn Tiến Trình chia sẻ thêm.