Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề

Trường Thịnh

(Dân trí) - Các học sinh, sinh viên học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được miễn giảm học phí, cấp phát học bổng, hỗ trợ chỗ ở, cơm trưa, xe đạp để đi lại…

Nhiều chính sách hỗ trợ

Em Trần Minh Trí - sinh viên ngành Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô - cho biết, khi vào học ở đây, thời gian đầu, em được học các kiến thức an toàn về điện. Sau đó, mới vào chuyên sâu ngành điện và học đến đâu, thực tập đến đó.

Ngoài ra, Trí còn cho biết, khi học ở trường, em và các bạn sinh viên được nhà trường và Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp hỗ trợ như chỗ ở miễn phí (ký túc xá), miễn - giảm học phí, cơm trưa, cho sinh viên mượn xe đạp đi lại…

Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề - 1

Khi tham gia học nghề, các học viên được hỗ trợ chỗ ở miễn phí, miễn giảm học phí, cấp học bổng…

Còn em Nguyễn Minh Hão - cựu sinh viên trường chuyên ngành Hàn, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô - cho biết, sau khi ra trường, em được Công ty Hào Phát (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) tuyển dụng vào làm việc đúng với chuyên ngành. Hiện, công ty trả lương mỗi tháng cho Hảo 7-8 triệu đồng.

Em Hảo chia sẻ: "Khi vào học tại trường, em được xét giảm học phí, hỗ trợ ở ký túc xá không tốn tiền. Ngoài ra, do học tốt nên em còn được nhà trường xét cấp học bổng".

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp - cho biết, mỗi năm, đơn vị phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, tuyển sinh và đào tạo hơn 1.000 học viên, sinh viên. Trong đó, ngành nghề khối kỹ thuật thu hút nhiều học viên tham gia học, là: công nghệ ôtô, cơ khí, điện lạnh, điện công nghiệp, xây dựng, kế toán, công nghệ thông tin...

Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề - 2

Mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô tuyển sinh, đạo tạo hơn 1.000 học viên.

Khi học sinh, sinh viên theo học nghề tại trường, các em sẽ được hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chỗ ở. Còn các học sinh tham gia học nghề (bậc trung cấp) tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp, các em được hỗ trợ cơm trưa, xe đạp đi lại, chỗ ở miễn phí…

Chú trọng chất lượng, bám sát nhu cầu doanh nghiệp

Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia vào giáo dục dạy nghề. Hệ thống trường cao đẳng trong tỉnh có 2 nghề tiếp cận cấp độ quốc tế, có 4 nghề tiếp cận cấp độ khu vực ASEAN. 

Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp - ngoài những chính sách hỗ trợ như trên, nhà trường luôn chú trọng vào chương trình dạy nghề; ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, số sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm hơn 97%.

Theo lời ông Vũ, nhờ ứng dụng công nghệ, chú trọng vào chất lượng đào tạo nên nhiều năm qua có nhiều sinh viên trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt được các giải cao trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia hàng năm.

Như năm 2020, tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, đoàn Đồng Tháp có 7 học sinh của 2 đơn vị, gồm: Trường Trung cấp Hồng Ngự và Trung tâm Dịch vụ Việc làm tham gia dự thi ở 7 nghề: lắp đặt điện, điện lạnh, thiết kế đồ họa, công nghệ ô tô, hàn, xây gạch, ốp lát tường và sàn. Kết quả, đoàn tỉnh Đồng Tháp đạt được một giải nhất (huy chương vàng - em Lê Văn Thuận) và 3 giải Khuyến khích.

Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học nghề - 3

Đoàn tỉnh Đồng Tháp nhận giải thưởng lớn tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết, trong năm học 2021-2022, các đơn vị trường, trung tâm trong toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo đối với hệ cao đẳng hơn 1.542 sinh viên, trung cấp hơn 2.524 học sinh.

Theo ngành chức năng Đồng Tháp, kết quả thực hiện phân luồng học sinh để các em vào các trường nghề có sự chuyển biến. Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của việc chọn nghề, chọn ngành học của một số học sinh và cha mẹ học sinh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu tìm hiểu thấu đáo; chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, chọn các nghề nổi tiếng, nghề dễ kiếm tiền… mà chưa cân nhắc có phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình.