Đồng nghiệp đố kỵ

Bạn là người học giỏi nhất lớp, tự tin nhất, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nhìn thấy khuôn mặt bạn mệt mỏi như thế. Bạn cười buồn, giải thích cái nhìn thắc mắc của tôi: “Mình vừa làm đơn xin nghỉ việc. Thất vọng quá!”

Ra trường, với điểm số xuất sắc, bạn được nhận ngay về một cơ quan danh giá, rồi hai năm sau đó đã được đề bạt lên phó phòng. Bạn là người có trách nhiệm, gần như mọi công việc bạn đều muốn làm đến nơi đến chốn. Thế mà bây giờ bạn thông báo rằng bạn vừa làm đơn xin nghỉ việc, vì một lý do lãng nhách, đó là không chịu nổi sự đố kỵ của đồng nghiệp.

 

Bạn buồn “mình đã suy nghĩ thật giản đơn, cứ nghĩ mình hết lòng với công việc là được ghi nhận. Nhưng mà cuộc sống không hề đơn giản thế, bây giờ mình mới hiểu, không phải cứ làm nhiều, cứ thành đạt đã là điều hay”.

 

Chưa bao giờ tôi nghĩ bạn lại có thể nói những lời như thế, vì để nói được những lời ấy, người ta phải đúc kết nhiều điều, mà bạn thì mới có hai mươi sáu tuổi. Bạn bảo, tuổi tác không quan trọng trong nhận thức, chỉ cần trải qua thực tế, rồi tôi sẽ hiểu ngay thôi.

 

Cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu ra lý do bạn phải ra đi. Vì bạn không chịu nổi sự đố kỵ của một đồng nghiệp cùng phòng, bạn không thể làm việc cùng cô ấy. Bạn là một người thẳng tính, làm sao bạn có thể nghĩ đồng nghiệp làm trò hèn hạ để hại nhau. Bạn bảo, nếu cô ấy là một thằng con trai, thế nào bạn cũng nện cho một trận. Nhưng cô ấy liễu yếu đào tơ như thế, ai lại đánh phụ nữ bao giờ.

 

Vì thế, bạn quyết định ra đi. Tôi không biết phải khuyên bạn thế nào. Ở đời, chẳng có gì cầu toàn hết. Bạn đến chỗ khác, rồi cũng sẽ có sự đố kỵ, cũng sẽ gặp trắc trở... Nhưng rồi, tôi cũng tự an ủi, biết đâu, ở nơi khác, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm, để bạn trưởng thành hơn, biết vượt qua sự đố kỵ tầm thường.

 

Theo Hoàng Dung
Người Lao Động