Đối tượng nào được tăng thêm tiền lương?

Bà Lê Thị Thúy (lethuybn88@...) công tác y tế học đường tại trường học theo hợp đồng với UBND huyện tại tỉnh Bắc Ninh, hưởng lương bậc 1 hệ trung cấp (hệ số 1,86).

Đối tượng nào được tăng thêm tiền lương?
Theo bà Thúy được biết, Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong đơn vị sự nghiệp công lập có hệ số lương dưới 2,34 được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng.

Tuy nhiên, tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chỉ có giáo viên trong biên chế hưởng mức lương tăng thêm này, còn người làm việc theo chế độ hợp đồng không được hưởng. Bà Thúy muốn được biết, việc như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống.

Đối tượng áp dụng theo quy định tại điểm đ, điểm e, khoản 1, Điều 2 Nghị định này là người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, làm việc theo HĐLĐ trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Và người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù.

Điều 3 Nghị định này quy định, người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống quy định tại khoản 1, Điều 2 được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở), cụ thể như sau:

Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng

=

Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh

x

Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng

x

8%


Khoản tiền lương tăng thêm này không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương.

Xác định nhu cầu kinh phí để thực hiện điều chỉnh tiền lương

Tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư số 32/2015/TT-BTC ngày 17/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn, đối với số người làm việc theo chế độ HĐLĐ, chỉ tổng hợp số người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; số người làm việc theo chế độ HĐLĐ hưởng lương từ NSNN thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; số giáo viên mầm non làm việc theo chế độ HĐLĐ theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định số 17/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo hướng dẫn đó, người làm việc theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000, sẽ được cơ quan, đơn vị tổng hợp để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện việc tăng thêm tiền lương theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP.

Theo Luật sư Lê Văn Đài - VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội/Chinhphu.vn