Đối tượng được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT?
Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP trước khi ra viện.
Theo phản ánh của ông Chu Mạnh Quyền (TP. Hà Nội), ông đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, TP. Hà Nội. Do bị xuất huyết tiêu hóa, ông Quyền phải nhập viện tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn nhưng ông không xuất trình thẻ BHYT. Ông Quyền được hướng dẫn có thể thanh toán tiền viện phí trước, sau đó mang hóa đơn, chứng từ về Hà Nội thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH. Sau khi xuất viện, ông Quyền có đem hóa đơn, giấy xuất viện đến BHXH quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội nhưng không được giải quyết.
Ông Quyền hỏi, BHXH quận Hoàn Kiếm làm như vậy có đúng quy định không? Nếu không đúng, ông phải làm gì để được giải quyết chế độ?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội trả lời như sau:
Ông Chu Mạnh Quyền, mã thẻ BHYT là CH4010110102043, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đống Đa, TP. Hà Nội. Là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (mã đơn vị HW01197) đóng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Vào thời điểm sau nghỉ Tết, ông Quyền có đến BHXH quận Hoàn Kiếm hỏi về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong trường hợp cụ thể của ông do bị bệnh “Viêm dạ dày xuất huyết cấp tính” từ ngày 27/1/2020 đến ngày 30/1/2020 nhưng không trình thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, là cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng với cơ quan BHXH.
Căn cứ Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2018 thì trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám, chữa bệnh.
Cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định này”.
Như vậy, trường hợp của ông Quyền không thuộc đối tượng được giải quyết thanh toán trực tiếp. BHXH quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã giải thích cho ông Quyền và không tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của ông.
Theo Chinhphu.vn