Nghệ An:
Đối thoại cấp tỉnh để kịp thời gỡ vướng giữa người lao động và doanh nghiệp
(Dân trí) - Tăng cường đối thoại giúp sớm làm rõ những khúc mắc, để giữa người lao động và chủ sử dụng lao động có sự thấu hiểu, sẻ chia, tin tưởng, gắn bó với nhau.
Ngừng việc, đình công kiểu "phản ứng dây chuyền"
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 8 cuộc đình công, riêng tại Nghệ An đã xảy ra 3 cuộc.
Cuộc đình công tại Công ty TNHH Viet Glory (đóng trên địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An) với sự tham gia của gần 5.000 người lao động xảy ra đầu tiên và cũng kéo dài nhất. Đến ngày thứ 6, khi yêu cầu tăng lương cơ bản được công ty đáp ứng, công nhân mới quay trở lại nhà máy làm việc.
Sau cuộc ngừng việc tập thể tại Viet Glory Nghệ An, tại Ninh Bình (Công ty TNHH Vienergy), Thái Bình (Công ty TNHH Phúc Mậu), Hà Tĩnh (Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh)... cũng có hiện tượng tương tự.
Các vụ ngừng việc tập thể chỉ dừng lại khi các kiến nghị của người lao động, chủ yếu là nội dung tăng lương cơ bản, tăng và bổ sung các khoản phụ cấp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, thái độ ứng xử của cán bộ quản lý... được chủ sử dụng lao động giải quyết hoặc cam kết xem xét giải quyết.
Đình công xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các nhà máy, vốn đã rất khó khăn suốt năm qua, đang nỗ lực khôi phục sau thời gian ngừng trệ vì dịch Covid-19, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế với cả chủ sử dụng lao động và công nhân lao động.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Viet Glory, khi xảy ra đình công, công ty đã phải chuyển một số đơn hàng cho đơn vị khác. Chưa kể, việc chậm trễ giao hàng có thể khiến các doanh nghiệp vướng vào những tình huống pháp lý với các đối tác, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín gây dựng không chỉ ngày một ngày hai.
Việc liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể sau Tết Nguyên đán, theo nhận định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam "có yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại nhiều tỉnh, thành phố".
Tăng cường đối thoại trong doanh nghiệp
Các cuộc đình công vừa qua cho thấy, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các kiến nghị liên quan đến chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, phúc lợi khác.
Đặc biệt, có trường hợp, người lao động nhầm lẫn chức năng giải quyết các kiến nghị liên quan đến quyền lợi của mình. Đơn cử, đối với chính sách hỗ trợ người lao động bị mắc Covid-19, thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND phường/xã, nơi người lao động sinh sống chứ không phải doanh nghiệp sử dụng lao động hay công đoàn các cấp. Vấn đề này cũng đã được các cấp công đoàn phổ biến, tư vấn kỹ. Thế nhưng trong nội dung kiến nghị hàng nghìn lao động gửi lên lãnh đạo doanh nghiệp vẫn có nội dung này.
Nếu như tranh chấp lao động tại Công ty TNHH Viet Glory phải mất một tuần mới được giải quyết dứt điểm thì tại các công ty khác như: Haivina Hồng Lĩnh, EM-Tech (TP Vinh, Nghệ An) hay Công ty CP Nam Thuận Nghệ An, chỉ trong vòng 1-2 ngày, công nhân đã đồng ý đi làm trở lại.
Một điểm chung dễ thấy tại các công ty này là ngay khi có hiện tượng công nhân ngừng việc, tổ chức công đoàn và lãnh đạo công ty đã nhanh chóng có mặt, trực tiếp tiếp nhận kiến nghị, trao đổi và giải thích rõ từng vấn đề để đôi bên cùng nhau tháo gỡ, đi đến thống nhất hướng giải quyết nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa hai bên.
Theo bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), đối thoại giữa người lao động và chủ sử dụng lao động có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và ngăn các vụ đình công. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn hiểu sai lệch, thiếu thiện chí, thậm chí trốn tránh việc đối thoại, cho rằng đối thoại làm mất thời gian, ảnh hưởng sản xuất. Nhiều người mặc định, công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo qui định của luật. Việc thiếu đối thoại sẽ dẫn đến mâu thuẫn, người lao động thiếu gắn bó với doanh nghiệp, chuyển việc.
"Thực tế từ trước đến nay, không ngoại trừ nguyên nhân có sự kích động, quấy phá từ bên ngoài nhằm phá hoại hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp nhưng vấn đề thường gây ra xung đột và mâu thuẫn trong các doanh nghiệp đều xoay quanh lợi ích, vấn đề quyền lợi theo luật pháp rất ít", bà Trần Thị Nguyệt cho biết.
Vì vậy, người sử dụng lao động cần phải kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc đang tồn tại trong bản thân các doanh nghiệp một cách chủ động, thông qua đối thoại. Đối thoại tại nơi làm việc không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng đối thoại là những diễn đàn để các bên có cơ hội cùng trao đổi, giải quyết các yêu cầu, là cơ hội để hiểu nhau, chia sẻ khó khăn của nhau, tạo ra sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin giữa người lao động, người sử dụng lao động.
Đối thoại tốt còn tạo động lực, khuyến khích người lao động đem kiến thức, khả năng của mình đóng góp cho sản xuất, làm tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp hơn vì họ cảm thấy được tôn trọng, họ biết rằng doanh nghiệp luôn quan tâm đến đời sống, nguyện vọng của họ.
"Để thực hiện đối thoại tại nơi làm việc tốt cần có sự thiện chí của người sử dụng lao động trong việc tạo không khí bình đẳng, tôn trọng, hợp tác giữa người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động. Thực tế tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công ty nào thực hiện tốt việc đối thoại và chú trọng đối thoại với người lao động thì ít xảy ra các vụ tranh chấp lao động", Phó Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho hay.
Tổ chức đối thoại về việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công tự phát, kịp thời giải quyết, hạn chế các cuộc đình công trái pháp luật cũng là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An trong năm 2022. Trong năm nay, tỉnh Nghệ An cũng sẽ tổ chức một cuộc đối thoại cấp tỉnh để lắng nghe kiến nghị từ người lao động và chính các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Các hình thức đối thoại linh hoạt là: Hội nghị người lao động; gặp gỡ định kỳ giữa công đoàn và ban giám đốc; gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa người quản lý sản xuất và công nhân 10 phút trước hoặc sau ca làm việc, hoặc tranh thủ giờ giải lao; gặp gỡ giữa công đoàn và công nhân; gặp gỡ trong quá trình thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng hòm thư góp ý và các ý kiến góp ý được trả lời trong thời gian ngắn; thông qua tờ tin hoặc hệ thống thông tin nội bộ.