"Đòi" lương cho hàng nghìn lao động

Trần Lê

(Dân trí) - Trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 15 doanh nghiệp nợ lương của 4.125 người lao động, với số tiền nợ 67,5 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa cho biết đã nhận được báo cáo về tình trạng nợ lương của một số đơn vị trên địa bàn. Ngay sau đó, đơn Sở cũng đã có công văn đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Đòi lương cho hàng nghìn lao động - 1

Sở LĐ-TB&XH đề nghị đơn vị liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động (Ảnh: Trần Lê).

Cụ thể, Sở đề nghị các địa phương có liên quan tổ chức làm việc với doanh nghiệp nợ lương trên địa bàn quản lý, đôn đốc doanh nghiệp trả lương đầy đủ cho người lao động; tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý đối với trường hợp cố tình nợ lương.

Đồng thời, đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Công đoàn cơ sở tăng cường nắm bắt tình hình nợ lương tại các doanh nghiệp, trường hợp phát hiện doanh nghiệp nợ lương, đề nghị thông tin với Sở LĐ-TB&XH.

Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ lương, các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH ngăn chặn, giải quyết kịp thời các nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công trong dịp Tết.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa được giao phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, đặc biệt những người lao động không thể tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp nợ lương.

Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, người sử dụng lao động nợ lương của người lao động là vi phạm quy định của Bộ luật Lao động.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm, tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương theo quy định.

Các trường hợp trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 15 doanh nghiệp nợ lương của 4.125 người lao động, với số tiền nợ 67,5 tỷ đồng.