Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vẫn cố "gồng" lương cho người lao động

Hoa Lê

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, tạm dừng sản xuất nhưng vẫn tích cực tìm nguồn tài chính để kịp chi trả lương cho người lao động.

Bên cạnh những doanh nghiệp đã công bố tiền lương, thưởng Tết năm 2024, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, nợ lương công nhân.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 20/12/2023, có 576 doanh nghiệp với 235.491 lao động báo cáo tình hình tiền lương năm 2023, kế hoạch thưởng tết năm 2024.

Tiền lương bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có báo cáo là 8,88 triệu đồng/người/tháng, tiền lương cao nhất thuộc về doanh nghiệp nằm trong khu vực FDI.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, có 3 doanh nghiệp báo cáo có nợ lương người lao động. Theo đó, 872 lao động bị nợ lương với số tiền lên đến gần 13,4 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023.

Một số doanh nghiệp gặp khó về nguồn kinh phí chi trả lương dẫn đến nợ lương người lao động.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp nợ lương thanh toán tiền lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu tổng hợp tại thời điểm báo cáo, có 1 doanh nghiệp trên địa bàn nợ lương người lao động với tổng số tiền là hơn 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn tài chính để kịp thời chi trả tiền lương đối với người lao động.

 Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vẫn cố gồng lương cho người lao động - 1

Nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn đã khắc phục được khó khăn, chủ động thích nghi, điều chỉnh linh hoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động. Từ đó, các đơn vị đảm bảo tiền lương, thu nhập ổn định, thực hiện đúng quy định về mức lương tối thiểu với người lao động.

Các doanh nghiệp điều chỉnh lương, bảng lương và trả lương cho người lao động năm 2023 không thấp hơn mức quy định. Ngoài tiền lương, doanh nghiệp còn chi trả thêm phụ cấp cho người lao động như chức vụ, trách nhiệm, xăng xe, điện thoại...

Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho hay, một số đơn vị gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng hoặc tạm dừng sản xuất nên phải thỏa thuận với người lao động điều chỉnh giờ làm, làm việc luân phiên, tạm thời nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động...

Vì vậy, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng rõ rệt. Theo báo cáo, trong năm 2023 có 2 doanh nghiệp nợ lương 98 người lao động với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải ngừng hoạt động.