“Đói” kiến thức về sinh sản, ảnh hưởng tới chất lượng lao động

Nạo phá thai gây sang chấn tâm lý, nguy cơ nhiễm HIV ở trong công nhân ở các khu công nghiệp có nguyên nhân một phần vì thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản. Điều này khiến hệ lụy chất lượng lao động và cơ hội việc làm ảnh hưởng, năng suất lao động không cao.


Năng suất lao động ảnh hưởng không nhỏ vì sức khỏe sinh sản của người lao động (Ảnh: TL)

Năng suất lao động ảnh hưởng không nhỏ vì sức khỏe sinh sản của người lao động (Ảnh: TL)

Đây là cảnh báo được nêu ra tại Hội nghị công bố, giới thiệu chương trình tài liệu giáo dục sức khỏe sinh sản cho người học nghề do Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức ngày 3/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhận định: Trước đây, đề tài sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục còn được coi là điều cấm kỵ, nhạy cảm ở VN. Vấn đề này chỉ được coi là việc của những người làm công tác y tế cộng đồng. Đây là quan điểm sai lầm.

Trong khi đó, 46% nguyên nhân lây nhiễm HIV thông qua quan hệ tình dục và đang có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân chính do thiếu nhận thức về sức khỏe tình dục - sức khỏe sinh sản.

“Sức khỏe tình dục phải được coi là yếu tố đảm bảo chất lượng cuộc sống. Nếu không quan tâm thì dễ gây nên những hậu quả đáng tiếc trong cuộc sống. Thanh niên, học sinh là đối tượng chính trong quá trình sinh sản. Hàng năm, số lượng thanh niên tham gia học nghề rất lớn. Việc xây dựng bộ giáo trình về sức khỏe sinh sản là điều cần thiết trong môi trường dạy nghề” - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Bộ giáo trình sau 2 năm triển khai và đã áp dụng thí điểm ở nhiều cơ sở dạy nghề đạt hiệu quả cao. Bộ giáo trình chia là 2 hợp phần: Hợp phần 1 là chương trình và tài liệu giảng dạy cho giảng viên, giáo viên tại các cơ sở dạy nghề. Hợp phần 2 là tài liệu dùng cho học viên sơ cấp và học viên học nghề dưới 3 tháng tại các cơ sở dạy nghề.

Đồng quan điểm trên, ông Hà Như Toàn - đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc - cho biết: Việc cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp với sức khỏe tình dục - sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS và kỹ năng sống cho người trẻ di cư rất là quan trọng.

Tuy nhiên, hệ thống đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều bằng chứng cho thấy người học nghề thiếu kiến thức và kỹ năng giúp bảo vệ mình khỏi hành vi nguy cơ tình dục, nhiễm HIV và nguy cơ sức khỏe sinh sản khác…


Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, phát biểu tại buổi công bố.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, phát biểu tại buổi công bố.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, hệ thống dạy nghề trên cả nước có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề và 997 trung tâm dạy nghề.

“Hàng năm, hệ thống dạy nghề tuyển sinh 3 cấp trình độ khoảng trên 2 triệu người. Trong đó, trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm khoảng 220.000 người, sơ cấp nghề hơn 1,8 triệu người”.

Ngoài việc đào tạo kỹ năng nghề, nhu cầu đào tạo kỹ năng mềm được đặc biệt chú ý thời gian gần đây. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa làm gia tăng lượng lao động từ nông thôn ra thành thị. Đó là nhóm dân cư dễ bị tổn thương và yếu thế.

Trong khi đó, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp với sức khỏe tình dục - sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trường nghề còn hạn chế.

Vấn đề càng trở nên bức thiết hơn, khi Tổng Cục dạy nghề vừa cho biết khảo sát nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai ở thanh thiếu niên rất cao: Nhóm thanh niên từ 15-19 tuổi là 35,4 %, từ 20-24 tuổi là 34,6%. Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm HIV ở thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi gần 35 %.

“Đừng lo giáo dục giới tính quá sớm sẽ vẽ đường cho hươu chạy”.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Đại học Y Hà Nội) - Chuyên gia xây dựng giáo trình: Hiện giờ, người ta không nói “vẽ đường cho hươu chạy”, mà là vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng đã định. Còn đã thả vào rừng thì sao biết nó chạy đi hướng nào?.

Tất nhiên, ở tuổi trẻ không ai khuyến khích chuyện quan hệ tình dục, nhưng không ai khống chế được việc  này. Khi xảy ra phải an toàn, nếu không sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, giống nòi.

Ở các khu công nghiệp, hậu quả của thiếu kiến thức sinh sản có thể thấy rõ qua việc phát hiện những thai nhi bị bỏ đi, hoặc công nhân nữ nạo phá thai. Hậu quả khiến vô sinh thứ phát do nạo phá thai không an toàn, bị sang chấn tinh thần nhiều khi phải bỏ con, rồi bệnh tật, HIV, ảnh hưởng tới công việc…

Phan Minh

TIN LIÊN QUAN:

Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề

Từ ngày 1/1/2016, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sẽ được nhận học bổng và các khoản hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp. Theo đó, những người được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…

“Đói” kiến thức về sinh sản, ảnh hưởng tới chất lượng lao động - 3

Về chính sách học bổng, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được hưởng mức học bổng chính sách bằng 100% mức tiền lương cơ sở/tháng. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, mức học bổng chính sách bằng 80% mức tiền lương cơ sở/tháng.

P.M

Kiểm định 83 cơ sở dạy nghề giai đoạn 2008-2015

Đây là kết quả được công bố tại hội nghị công bố kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề, được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Sau khi tham gia kiểm định, nhiều cơ sở dạy nghề đã nhận thức rõ vị trí, vai trò hoạt động của công tác kiểm định, từ đó công tác dạy nghề ngày càng đạt được hiệu quả thực chất hơn.

Theo Cục kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), năm 2014-2015, Công tác kiểm định dựa trên đề nghị của các trường. Cụ thể, năm 2014: 35 trường và năm 2015 chọn 21 trường. Theo kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định, năm 2014-2015 đã công nhận cho 19 trường đạt kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ 3 (trong đó 7 trường trung cấp nghề và 12 trường cao đẳng nghề), công nhận cho 7 trường đạt cấp độ 2 (1 trường trung cấp nghề và 6 trường cao đẳng nghề) và 3 trường đạt cấp độ 1 (2 trường trung cấp nghề và 1 trường cao đẳng nghề). Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm định chỉ thực hiện được một số trường, còn phần lớn không tiến hành kiểm định do một số lí do khách quan. Được biết, công tác thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề bắt đầu từ năm 2012. Năm 2014, TCDN tiếp tục tiến hành thí điểm kiểm định đối với 25 chương trình đào tạo để hoàn thiện hệ thống tiêu chí kiểm định, quy trình kiểm định chất lượng theo quyết định 782/QĐ-LĐTBXH ngày 3/7/2014 về việc phê duyệt tiếp tục triển khai thí điểm năm 2014-2015.

V.M