Độc đáo nghề đan tre lồ ô nổi danh xứ Huế Thứ bảy, 25/09/2021 - 06:33 (Dân trí) - Nhiều sản phẩm từ tre lồ ô chế tác thủ công qua đôi tay tinh xảo nghệ nhân làng nghề Bao La tại Huế đã chứng tỏ cái đẹp được làm ra từ điều đơn giản nhất.Làng Bao La gồm xóm Chùa, Đình, Hóp, Đông, Cầu và xóm Chợ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng quê nổi tiếng nghề đan lát sản phẩm tre với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình làng quê như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia…Ngày nay Bao La bắt đầu nổi tiếng sản xuất hàng mây tre đan với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã mây tre đan Bao La.Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở làng Bao La có từ khi nào, chỉ biết rằng nói đến nghề đan thúng mủng thì Bao La là làng nổi tiếng từ xưa đến nay của cả vùng đất Huế.Hàng đan bằng tre, nứa của Bao La vừa đẹp vừa bền và nổi tiếng với câu ca truyền khẩu: "Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột - Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi - Tạm tiền mua lấy vài đôi - Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào".Loại tre mà người dân làng Bao La dùng để đan thúng mủng, các loại vật dụng gần gũi trong sinh hoạt gia đình và trong sản xuất nông nghiệp là loại một loại tre đặc biệt: thân thẳng, gióng dài mà bà con ở đây thường gọi là tre lồ ô.Qua bàn tay chai sần của bao đời người nối tiếp nhau ở cái làng quê này đã kết thành danh tiếng của một loại hàng hóa rất gần gũi và cần thiết đối với cuộc sống của con người như: Thúng, mủng, rổ rá, giần sàng, nong nia, tràng trẹt…Mặc dù là một nghề phụ nhưng nghề đan lát đã thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và trong thôn xóm. Người khỏe mạnh tìm mua, đốn tre và vận chuyển đưa về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt, trẻ em đan lát, phụ nữ gánh sản phẩm tỏa đi khắp các chợ ở làng quê, thành thị.Ngày nay, cùng với công việc đồng áng, bà con làng Bao La vẫn tiếp tục bắt tay vào nghề đan tre truyền thống của mình, một nghề mà sự nổi tiếng đã gắn liền với tên gọi làng đan lát Bao La. Ngoài làm ra các sản phẩm truyền thống, tổ chức sản xuất theo gia đình, theo xóm như: Xóm Chợ thì chuyên đan giần, sàng; Xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên đan rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên đan rổ rá các loại; Xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng. Bà con Làng Bao La còn tham gia vào sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ do Hợp tác xã mây tre đan Bao la đứng ra tổ chức và bao tiêu sản phẩm.Cơ chế thị trường và cuộc sống hiện đại đã làm cho nghề đan lát truyền thống của làng Bao La dần mai một, nhưng cũng chính vì thế mà bây giờ ở làng lại xuất hiện nhiều sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại với các kiểu, loại bàn ghế bằng tre, kết bằng mây, giỏ xách, các kiểu lẵng hoa, các loại giá treo đèn trang trí... và một số mặt hàng phục vụ du lịch. Theo thời gian, truyền thống nghề đan lát của làng cũng phải thay đổi theo, nhưng thay đổi này bắt nguồn từ lòng yêu nghề, gắn bó với nghề làm động lực chính để gắn kết những bàn tay và khối óc của cả làng trong quá trình tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Bao La.Không có một vùng quê Việt nam nào khi xưa lại không có một làng nghề truyền thống, đó là một nét đẹp văn hóa vốn có của làng quê Việt Nam, là tinh hoa của bao thế hệ kết tinh mà thành. Làng đan lát Bao La danh tiếng ngày xưa, nay đang trong thế chuyển mình đi lên.Ngày nay, vẫn là những bàn tay ấy, con người ấy, nhưng đã có những khối óc mới, cách nghĩ mới để nghề đan lát của làng Bao La có thêm nhiều sản phẩm mới.
Đọc nhiều trong Lao động - Việc làmNgưỡng mộ cô gái Việt, chàng trai Cuba ở lại TPHCM phụ bán bánh mì Thanh niên tông đổ xe khoai chiên và phản ứng "triệu tim" của chủ quán Nuôi "vệ sĩ" diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền Hơn 9.000 người bị công ty đề nghị tự nguyện nghỉ việc Những trường hợp nhân viên được từ chối việc sếp giao