1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nhân nữ: Thách thức chuyển giao “quyền lực”

Phụ nữ tạo lập và phát triển doanh nghiệp không chỉ quan trọng đối với bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của quốc gia, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình chuyển giao “quyền lực” đối với các doanh nhân nữ.

Doanh nhân nữ: Thách thức chuyển giao “quyền lực” - 1

Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam(VCCI) phụ nữ Việt Nam làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp, tương ứng khoảng 25% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Dấu ấn bình đẳng giới

Trước đó, trong báo cáo có tựa đề “Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý: Trên đà phát triển” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy: tỷ lệ nữ giới trong tất cả các vị trí quản lý trong tổng số 108 nước, Việt Nam đứng thứ 76 với 23% phụ nữ đảm nhiệm vai trò quản lý tại các doanh nghiệp.

Rất nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc phụ nữ tham gia vào các nhóm ra quyết định cao nhất với hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chúng ta có thể đạt được sự bình đẳng giới thật sự tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cấp cao nhất.

Báo cáo của ILO cho thấy chỉ khoảng dưới 5% các CEO của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít khả năng người đứng đầu là phụ nữ. Vẫn còn tồn tại “những bức tường kính” giới hạn phụ nữ chỉ ở một số các vị trí quản lý nhất định như nhân sự, truyền thông và hành chính.”

Thách thức trong chuyển giao

“Khảo sát Thế hệ tiếp nối 2016 của PwC: Góc nhìn của giới nữ” thông qua 73 cuộc phỏng vấn với giới nữ trong các doanh nghiệp gia đình(DNGĐ) có tổng doanh thu 15,9 tỉ USD được thực hiện tại 25 quốc gia cho thấy: Trung bình ở các DNGĐ được khảo sát, chỉ có 30% nữ giới tham gia khảo sát cho biết họ có tham gia vào Hội đồng Quản trị, so với tỉ lệ 55% của nam giới. Có đến 45% nữ giới tham gia khảo sát đồng ý với nhận định “Nhìn chung, thế hệ tiếp nối là nam giới có nhiều khả năng được chọn để tiếp tục lãnh đạo DNGĐ”.

Ngoài việc bị soi xét bởi thế hệ đi trước cũng như đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn, nữ giới còn có thể phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến phân biệt giới tính nơi làm việc. Quan niệm vô thức về vai trò của nữ giới trong gia đình cũng có thể xuất hiện ở các DNGĐ, tác động đến cách các DNGĐ ra quyết định về thế hệ tiếp nối hoặc bàn giao công việc.

Doanh nhân nữ: Thách thức chuyển giao “quyền lực” - 2

"Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, cần có chính sách hỗ trợ DN nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của DN nữ trong các hiệp hội kinh doanh".

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam: Có 4 nhóm giải pháp mà các DNGĐ có thể thực hiện để hỗ trợ nữ giới trong doanh nghiệp (cả người thân trong gia đình lẫn người ngoài công ty):

Thứ nhất, nâng cao sự linh hoạt cho nữ giới: Nữ giới luôn tìm kiếm những doanh nghiệp có tư duy quản lý cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thứ hai, quan điểm từ cấp lãnh đạo: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao sự công bằng trong cơ hội việc làm, không phân biệt giới tính để nâng cao sự tự tin cho nữ giới trong công ty.

Thứ ba, hỗ trợ phát triển sự nghiệp: Giúp nữ giới xây dựng định hướng nghề nghiệp rõ ràng và cung cấp cho họ những sự tư vấn, đào tạo phù hợp. Thứ tư, quy định và hành động: DNGĐ nên xây dựng những quy định rõ ràng liên quan đến yếu tố đa dạng và bình đẳng, và liên tục theo dõi quá trình xây dựng môi trường làm việc bình đẳng về giới tính trong công ty

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của chính sách. Để trao quyền cho phụ nữ thực chất hơn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp