1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Trị:

Doanh nghiệp treo thưởng để tuyển lao động về từ phía Nam

Đăng Đức

(Dân trí) - Lao động về từ phía Nam có tay nghề khi ký hợp đồng sẽ được thưởng. Mức lương tối thiểu không thấp hơn 5 triệu đồng với thợ bậc 2 và 6 triệu đồng với thợ bậc 4, còn thêm thu nhập tăng ca, chế độ khác…

Thời gian qua, nắm bắt thực tế nhiều lao động về từ các tỉnh phía Nam, trong đó đa số làm trong lĩnh vực may mặc, có tay nghề cao, một số doanh nghiệp dệt may tại Quảng Trị đang cần lao động, sẵn sàng đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút công nhân vào làm việc.

Đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất, Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (thuộc Công ty CP quốc tế Phong Phú) đã có thông báo tuyển dụng khoảng 300 công nhân may. Trong đó ưu tiên những công nhân có tay nghề trở về từ các tỉnh phía Nam.

Theo ông Lê Nguyên Y, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú, đơn vị đang có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lao động trong lĩnh vực may mặc.

Doanh nghiệp treo thưởng để tuyển lao động về từ phía Nam - 1

Nhiều doanh nghiệp dệt may "rộng cửa" tuyển lao động về từ phía Nam.

"Những lao động về từ các tỉnh phía Nam nếu có tay nghề khi ký hợp đồng chính thức sẽ được thưởng 1 triệu đồng. Mức lương tối thiểu không thấp hơn 5 triệu đồng đối với thợ bậc 2 và không thấp hơn 6 triệu đồng đối với thợ bậc 4. Ngoài ra, người lao động có thêm thu nhập từ tăng ca, các chế độ khác nhà máy đảm bảo theo đúng quy định", ông Lê Nguyên Y cho biết.

Với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung về may mặc ở tỉnh Quảng Trị, nhưng đến nay nhà máy mới tuyển được 20 lao động lành nghề về từ các tỉnh phía Nam.

"Sắp tới, khi lao động hoàn thành quá trình cách ly phòng dịch Covid-19, có thể nhà máy sẽ tuyển dụng với số lượng nhiều hơn", ông Lê Nguyên Y cho hay.

Cùng hoạt động trong ngành dệt may, Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định (cụm Công nghiệp Cam Thành, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) cũng có nhu cầu tuyển thêm lao động để đáp ứng việc sản xuất.

Ông Lê Tuấn Hồ, Giám đốc Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định cho biết: "Người lao động về từ các tỉnh phía Nam nếu có nhu cầu, hoàn thành quá trình cách ly thì công ty sẵn sàng nhận vào làm việc, được hưởng lương cơ bản. Nếu chưa có tay nghề được hỗ trợ trong quá trình học việc".

Doanh nghiệp treo thưởng để tuyển lao động về từ phía Nam - 2

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần may xuất nhập khẩu Tân Định.

Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS (Hải Lăng) là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn tại địa phương hiện có gần 1.000 lao động làm việc. Từ tháng 3/2021 đến nay, công ty đã tuyển dụng hơn 200 lao động, trong đó có một số lao động lành nghề về từ các tỉnh phía Nam. 

Bà Lê Thị Hiền, Trưởng phòng nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS cho biết: "Thời điểm này rất thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động do lượng công nhân về từ các tỉnh miền Nam rất đông. Tuy nhiên, với lượng công nhân hiện có, công ty đang duy trì sản xuất ổn định. Nếu thời gian tới công ty tăng công suất thì nhu cầu lao động sẽ rất lớn".

Vừa trở về từ Bình Dương, chị Đỗ Cẩm Vy (SN 2001, trú ở huyện Hải Lăng) cho biết: "Nếu tìm được một công việc phù hợp tại công ty may nào đó thì tôi sẽ ở lại quê hương làm việc".

Theo Liên đoàn Lao động huyện Hải Lăng, qua khảo sát bước đầu, ở địa bàn có hơn 250 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu tìm việc làm, trong đó có hơn 120 lao động có tay nghề may mặc.

Qua đó, Liên đoàn Lao động đang kết nối với các doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn để hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm.