Doanh nghiệp "trải thảm" đón lao động
(Dân trí) - Đầu năm 2024, doanh nghiệp tại TPHCM tung nhiều ưu đãi để có thể tuyển dụng lượng lớn lao động phổ thông. Đây cũng là cơ hội để lao động thất nghiệp tìm việc làm mới, trở lại thị trường lao động.
Phúc lợi để "hút" lao động
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau Tết nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tuyển dụng lượng lớn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), có hàng chục doanh nghiệp tuyển dụng lao động như: Công ty TNHH Furukawa Automotive (FAPV) tuyển 200 lao động chính thức làm việc theo ca, với mức thu nhập từ 8-10 triệu/tháng.
Công ty Điện tử FAPV tuyển 300 lao động nữ, với mức lương từ 8,5-10 triệu đồng/tháng; Công ty TNHH Đạt Việt cần tuyển hơn 60 lao động cho các vị trí may, cắt, nhân viên kho, với thu nhập từ 8-11 triệu đồng/tháng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, đầu năm 2024, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, người lao động các tỉnh đến thành phố không lo thiếu việc làm.
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực.
Tại khu công nghệ cao TP Thủ Đức, TPHCM, để đủ nhân lực sản xuất những đơn hàng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lượng lớn lao động phổ thông
Công ty TNHH Sonion Việt Nam đang cần tuyển 500 lao động phổ thông, với mức thu nhập từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Công Ty Nidec Việt Nam tuyển dụng 500 lao động nữ, với mức lương từ 12-15 triệu đồng/tháng,…
Tất cả các doanh nghiệp tuyển dụng ngoài trả lương cơ bản hàng tháng còn dành các chế độ phúc lợi khác với người lao động như hỗ trợ cơm trưa, tối (nếu tăng ca); thưởng lễ, Tết, thưởng theo hiệu quả sản xuất - kinh doanh; trợ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi (600 nghìn đồng/bé/năm).
Người lao động mong lương "8 chữ số"
Anh Lê Hoàng Khải (35 tuổi, quê Hậu Giang) phấn khởi khi vừa tìm được việc làm mới với mức lương cơ bản 10 triệu đồng/tháng.
Anh Khải chia sẻ, trước đây anh làm việc ở công ty sản xuất máy cắt giấy trong khu công nghiệp Sóng Thần.
Cuối năm 2023, công ty không có đơn hàng buộc phải đóng cửa. Từ ngày công ty đóng cửa, anh Khải mất việc làm.
Để có tiền trang trải qua ngày anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ (grab bike) nhưng ít khách, mỗi ngày trừ chi phí chỉ còn khoảng 50-100 nghìn đồng.
"Sau Tết, rất nhiều công ty tuyển dụng lao động nên tôi làm hồ sơ nộp mấy nơi, may mắn được công ty nhận vào làm, mức lương đúng với bản thân mong muốn. Tôi thật sự quá vui mừng", anh Khải phấn khởi nói.
Anh Nguyễn Văn Huyên (28 tuổi, quê Quảng Bình) dạo quanh một vòng khu chế xuất Tân Thuận để chọn công việc mong muốn. Anh Huyên cho hay, anh vừa ở quê vào TPHCM, được bạn bè ở khu trọ giới thiệu đến đây tìm việc làm.
"Mới tới đây lần đầu nên tôi đang tham khảo, chụp lại những thông tin tuyển dụng, sau đó xem vị trí nào phù hợp với bản thân mới liên hệ, nộp hồ sơ ứng tuyển", anh Huyên nói.
Nam thanh niên mong muốn tìm được công việc ổn định, thường xuyên tăng ca với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, quan hệ lao động từ đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tập trung theo dõi tình hình lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp.
Từ đó phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các chương trình tiếp sức người lao động, kết nối cung - cầu lao động để giúp người lao động sớm ổn định công việc, doanh nghiệp tập trung kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Lao động cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, hạn chế việc thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp cũng như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp sắp xếp lại lao động với số lượng lớn.
Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).