Doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng tiếp BHXH thế nào?

Bà Hoàng Ly (Thái Nguyên) đóng BHXH tại doanh nghiệp từ năm 2009. Năm 2012, doanh nghiệp phá sản, bà Ly không chốt được sổ BHXH và cũng không đóng BHXH nữa. Bà Ly hỏi, nay bà muốn tiếp tục đóng BHXH thì phải làm thế nào?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Do nội dung hỏi của bà Ly chưa cụ thể nên BHXH Việt Nam trả lời bà theo 3 khả năng sau:

Trường hợp bà muốn tự đóng trả nợ tiền BHXH bắt buộc, căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 19; Khoản 2, Điều 21; Khoản 1, Điều 85 và Khoản 1, Điều 86 Luật BHXH năm 2014 , không có cơ sở để bà tự đóng BHXH bắt buộc, bao gồm cả phần thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động.

Trường hợp bà đóng tiếp BHXH bắt buộc, căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH năm 2014, nếu bà tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng tại đơn vị mới (khác) thì bà thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Về thủ tục tham gia, bà Ly cần lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu TK1-TS) ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nộp cho đơn vị nơi bà làm việc để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH.

Trường hợp bà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như nêu trên, bà có thể tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, bà lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH, nộp Tờ khai và đóng tiền cho cơ quan BHXH cấp huyện hoặc đại lý thu tại xã nơi cư trú.

Theo Chinhphu.vn