1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Doanh nghiệp không đóng BHXH cho lao động trong 6 tháng, mức xử lý ra sao?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Theo quy định, sau một tháng làm việc theo hợp đồng lao động, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Công ty trốn đóng BHXH cho người lao động có thể bị xử phạt tới 75 triệu đồng.

Doanh nghiệp không đóng BHXH cho lao động trong 6 tháng, mức xử lý ra sao? - 1

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ một tháng đã được đóng BHXH bắt buộc.

Vừa qua, nhiều bạn đọc Dân trí thắc mắc về việc công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Nhiều lao động, dù đã đi làm 2-3 năm nhưng chưa được tham gia BHXH. Đặc biệt, có công ty còn quy định, nếu làm việc dưới 6 tháng thì không được đóng BHXH.

Phản hồi thông tin trên, Bảo hiểm xã hội TPHCM cho hay, theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ một tháng được đóng BHXH bắt buộc.

Việc công ty quy định nhân viên chính thức làm việc đủ 6 tháng mới được xem xét đóng bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ đóng BHXH của người sử dụng lao động.

Trong trường hợp này, công ty không đóng BHXH cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về BHXH được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật BHXH 2014.

Cụ thể, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính từ 12-20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Công nhân muốn gộp 2 sổ BHXH thì cần thủ tục gì?

Theo điểm C, khoản 1, Điều 31 Công văn số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam quy định: Các trường hợp cấp lại, gộp sổ, điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH thì thực hiện kê khai hồ sơ theo quy định tại Điều 27 và nộp hồ sơ như sau:

Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH. Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: Nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.

 Mức đóng, mức hưởng BHXH tự nguyện

Theo khoản 2, Điều 87 Luật BHXH 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn, tối đa bằng 20 lần lương cơ sở. Theo Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hàng tháng bằng tỷ lệ hưởng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH…

Hai giấy tờ phải lấy khi nghỉ việc để lãnh tiền bảo hiểm

Luật Việc làm 2013 quy định, để được nhận trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, NLĐ phải nộp hồ sơ về trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng. Thành phần hồ sơ bao gồm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu, giấy tờ chứng minh đã nghỉ việc, sổ BHXH, CMND/CCCD.