Doanh nghiệp gọi điện mời đi làm, lao động nằm nhà… lắc đầu

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Khi nhà máy phục hồi đơn hàng, chúng tôi gọi điện thoại báo công nhân đi làm lại nhưng họ từ chối, chọn ở nhà thêm một thời gian", trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp may kể.

Tìm đủ cách mà không tuyển đủ người

Tại tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn", do báo Người Lao động tổ chức sáng 12/9, ông Trần Thanh Sơn, trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp thất bại trong việc mở rộng sản xuất và tuyển dụng lao động.

Dù công ty đã cam kết đảm bảo tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (trong đó 25% thu nhập đến từ việc tăng ca) nhưng vẫn khó tuyển người.

Doanh nghiệp gọi điện mời đi làm, lao động nằm nhà… lắc đầu - 1

Ông Trần Thanh Sơn, trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (Ảnh: Hoàng Triều).

"Đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng ở nhà máy rất dồi dào. Chúng tôi đã mở rộng thêm 2 chuyền sản xuất, dự định mở thêm 2 chuyền nữa nhưng phải hủy bỏ kế hoạch vì không tuyển được người.

Công ty gọi điện cho người lao động mời đi làm trở lại nhưng hầu hết lắc đầu, muốn ở nhà thêm một thời gian nữa để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người thậm chí nói thẳng sẽ đi làm lại nếu công ty không ký hợp đồng", ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn nhận định, một trong những khó khăn trong việc tuyển dụng chính là sự ổn định nơi ở của người lao động.

"Nhiều người đã ở tại một quận, huyện nào đó lâu năm, con cái đã học hành ổn định ở nơi đó nên rất ngại chuyển đến nơi khác. Nhiều nhà máy tại các quận, huyện khác sa thải hàng loạt lao động, nhưng chúng tôi vẫn không tuyển được nhân công mới", ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho hay may mặc là lĩnh vực tuyển dụng không đòi hỏi nhiều tiêu chí nên tỉ lệ nghỉ việc cao. Bởi người lao động quan niệm, việc ứng tuyển quá dễ dàng, họ có thể thoải mái lựa chọn công ty, thời gian đi làm trở lại.

"Tỉ lệ nghỉ việc ở nhà máy trong 3-4 năm qua rất cao, đã đạt bằng số lao động hiện tại. Người lao động xin nghỉ việc với những lí do vô cùng khó hiểu và khó lương, chẳng hạn như vì vướng bận gia đình", vị trưởng phòng nhân sự nói.

Bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS, cho hay từ trước đến nay, nguồn cung lao động chưa từng đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của công ty.

Doanh nghiệp gọi điện mời đi làm, lao động nằm nhà… lắc đầu - 2

Bà Lâm Thị Ngọc Ngân, Giám đốc Nhân sự Công ty CP PIZZA 4PS (Ảnh: Hoàng Triều).

Hằng năm, đơn vị tuyển thành công 3.000 nhân sự. Đây là kết quả của quá trình tuyển dụng thực sự khó khăn. Bởi mỗi tháng, bộ phận nhân sự phải lọc 3.000 hồ sơ mới tuyển được 300-400 lao động đạt yêu cầu.

Công ty sẵn sàng đào tạo từ đầu cho những nhân sự trúng tuyển. Nhưng sau thời gian dài, dù công ty đã bỏ công sức, thời gian đào tạo, người lao động vẫn "dứt áo ra đi".

"Để một nhân sự thành thạo việc nướng 1 chiếc pizza, chúng tôi phải đào tạo trong 1 năm. Thế nhưng, không ít người lao động lập tức nghỉ việc sau khi thành nghề. Sau dịch Covid-19, tình hình ngân sách còn khó khăn nên chúng tôi phải hướng đến các giá trị khác để mong giữ chân, tạo giá trị lâu dài cho nhân sự", bà Ngân nói.

"Nỗi đau" tuyển dụng

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ tốt kiêm Giám đốc Việc làm tốt, chia sẻ trong tháng 8, đơn vị thực hiện khảo sát 300 doanh nghiệp, 1.600 người lao động đang cần tuyển dụng và cần tìm việc.

Theo kết quả khảo sát, nhu cầu tuyển dụng trên trang tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.

Doanh nghiệp gọi điện mời đi làm, lao động nằm nhà… lắc đầu - 3

Báo cáo khảo sát thị trường việc làm trong tháng 8/2024 cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng (Ảnh: Hoàng Triều).

Với đà phục hồi của kinh tế từ đầu năm đến nay, 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Hơn thế nữa, 30% doanh nghiệp trong số đó đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang tồn tại những bất cập. Theo số liệu của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các doanh nghiệp vẫn tuyển không được người với hơn 836.000 việc làm cần tuyển lao động phổ thông.

"Nỗi đau mà nhiều doanh nghiệp hiện gặp phải là khi gọi điện, các ứng viên đều báo bận hoặc đã tìm được công việc khác. Điều đó cho thấy họ ứng tuyển dạo chứ chưa thật sự muốn làm công việc mà họ ứng tuyển", bà Ngọc nói.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, có 3 thách thức lớn trong tuyển dụng nhân sự số lượng lớn.

Theo đó, 40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ. Ngoài ra, chỉ có 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra. Đồng thời, thách thức còn là sự cạnh tranh của các công ty trong ngành. Bởi việc điều chỉnh mức lương thưởng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để thu hút ứng viên.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), trong 6 tháng cuối năm 2024, thành phố cần 153.500 - 161.500 chỗ làm việc. Các vị trí tuyển dụng nhiều ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Tại Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp từ nay đến cuối năm ước tính khoảng 40.000 - 50.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện tử, gỗ và ép nhựa.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng đã bắt đầu khởi sắc hơn so với năm 2023. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải bố trí nhân sự về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên tổ chức công tác tuyển dụng lao động.