1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Doanh nghiệp đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để "giữ chân" người lao động

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Thị trường lao động miền Tây đang nhộn nhịp hơn do có sự dịch chuyển từ miền Đông về miền Tây. Để "giữ chân" lao động, phía nhà tuyển dụng đã thay đổi chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp...

Muốn tìm việc gần nhà

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng người lao động ồ ạt trở về quê trong thời gian qua, lực lượng lao động ở ĐBSCL tăng lên. Đây được xem là cơ hội vàng để các doanh nghiệp miền Tây tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng, phát triển kinh tế vùng miền. 

Tuy nhiên, để "giữ chân" người lao động, biện pháp quan trọng nhất là cần có chính sách đãi ngộ tốt. Khác với thời điểm trước dịch bệnh, tư duy chọn việc của người lao động đã có sự thay đổi. Họ ưu tiên công việc gần nhà, mức lương cơ bản trên trung bình, có nhiều chính sách về bảo hiểm xã hội, phụ cấp...

Doanh nghiệp đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động - 1

Người lao động tất bật tìm việc sau Tết (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Nguyễn Ngọc An (28 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ) cho biết: "Tôi lên Bình Dương làm công nhân hơn 3 năm. Năm ngoái, do dịch tôi về quê và không có ý định trở lại Bình Dương nữa. Hiện nay, các doanh nghiệp đều tuyển dụng rất nhiều, lại có chế độ rất tốt để hỗ trợ người lao động nên tôi không quá khó khăn khi tìm việc. Tôi vừa nộp hồ sơ xin việc tại một xí nghiệp may với mức lương cơ bản từ 6 triệu đồng".

Dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng anh Nguyễn Minh Hùng (37 tuổi, ở quận Ô Môn) vẫn "nấn ná" giữa việc trở lại TPHCM và ở lại Cần Thơ lập nghiệp. Sau thời gian cân nhắc, tính toán anh quyết định xin làm công nhân cho công ty chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ). 

Thị trường tuyển dụng ở miền Tây nhộn nhịp sau Tết (Clip: Bảo Kỳ)

"Lúc ở TPHCM tôi kiếm được gần 10 triệu đồng/tháng, sau dịch bệnh họ có kêu tôi trở lại làm nhưng tôi chưa quyết định vội. Mức lương của chỗ làm mới tuy thấp hơn nhưng lợi thế gần nhà, về thăm gia đình thuận tiện", anh Hùng giải thích. 

Chính sách đãi ngộ tốt để "giữ chân" lao động

Trao đổi với PV, nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2022 chính sách tuyển dụng của các công ty có sự thay đổi. Hầu hết các đơn vị tuyển dụng đều chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch Covid-19. Đây được xem là giải pháp  để "giữ chân" người lao động.

Đại diện Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ cho biết, trong năm 2022, công ty này cần nguồn nhân lực hơn 6.100 người lao động. Tận dụng sự chuyển dịch lao động từ miền Đông về miền Tây, công ty bắt đầu "kích hoạt" tất cả các kênh truyền thông tuyển dụng, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ nhờ hỗ trợ tìm kiếm lao động và công bố nhiều chính sách phúc lợi. 

Doanh nghiệp đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động - 2

Tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ngoài ra, để thu hút lao động mới, công ty điều chỉnh các chế độ phúc lợi như: Tăng mức lương cơ bản 100.000 đồng/tháng/người, tăng tiền thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền trợ cấp nuôi con nhỏ,... 

Còn chị Trương Thị Ngọc Hân - Cán bộ tuyển dụng của công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm (Cần Thơ) - cho biết, công ty đang cần 81 nhân sự làm việc tại 14 tỉnh thành phía Nam với các vị trí như chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên điều phối... Ngoài ra, đơn vị này còn tuyển không giới hạn lao động tự do làm các vị trí như người giao hàng, tài xế lái xe tải.

"Sau đại dịch nhu cầu tìm việc tăng nhưng yêu cầu phúc lợi công việc của người lao động cũng tăng theo. Do đó, giữ chân được lao động cũ và tìm thêm nguồn nhân lực mới phía nhà tuyển dụng phải có chính sách hấp dẫn mới thu hút được ứng viên", chị Hân nói thêm. 

Doanh nghiệp đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động - 3

Các công ty ở Cần Thơ tăng cường tuyển dụng sau Tết (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để kích cầu cho thị trường việc làm sau Tết, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động tuyển dụng trực tuyến và trực tiếp. Đặc biệt, ngày 15/3 trung tâm có tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối người lao động và công ty, doanh nghiệp. 

Cụ thể, Phiên giao dịch lần này có 149 đơn vị tuyển dụng tham gia với hơn 63.000 việc làm trống. Riêng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ, có 81 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 15.000 nhân sự. 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc trung tâm - nhận định: "Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ… Tại TP Cần Thơ đã hồi phục sau dịch bệnh, các chương trình kết nối lao động, việc làm sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp và người lao động. Nhìn chung các đơn vị tuyển dụng đều có sự thay đổi về chính sách đãi ngộ để giữ chân lao động.

Trong phiên giao dịch việc làm lần này có nhiều ngành nghề không yêu cầu trình độ, kinh nghiệm phù hợp với lao động phổ thông và các bạn sinh viên mới ra trường. Đây là cơ hội tốt để người lao động có việc làm thích hợp sau dịch bệnh".