1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gần 17.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động

Trần Lê

(Dân trí) - Dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, nhiều doanh nghiệp đã hồi phục sản xuất nên nhu cầu sử dụng lao động tăng lên với hàng chục nghìn việc làm cần người.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường lao động. Năm 2020 - 2021, thị trường lao động bị thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, ngưng trệ và thu hẹp sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, dẫn đến nhiều người lao động mất thu nhập.

Gần 17.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động - 1

Đầu năm 2022 còn khoảng 16.800 vị trí việc làm trống, tập trung ở các nhóm ngành dệt may, giầy da, nhựa, bao bì, kinh doanh, bán hàng, mộc, mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… (Ảnh: CTV).

Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hướng dẫn của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thị trường lao động đã có những tín hiệu tích cực, khởi sắc. 

Tại Thanh Hóa, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng năm 2021, địa phương này có trên 3.300 doanh nghiệp thành lập mới, nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ đó, thị trường lao động diễn biến theo chiều hướng tích cực vào dịp cuối năm 2021, đặc biệt là đầu năm 2022.

Trong đó, nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn trong năm như: Công ty TNHH Aleron Việt Nam (nhu cầu tuyển khoảng 2.000 lao động), Công ty TNHH giày Rollsport (nhu cầu tuyển khoảng 2.000 - 3.000 lao động)… với mức lương hấp dẫn. Tỷ lệ người lao động mất việc làm cũng đã giảm hẳn.

Những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp tục tăng cường kế hoạch tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong năm vừa qua, một lượng lớn lao động trở về từ vùng dịch góp phần giúp cho các doanh nghiệp tại Thanh Hóa dễ dàng tuyển dụng hơn.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, đầu năm 2022 còn khoảng 16.800 vị trí việc làm trống, tập trung ở các nhóm ngành như dệt may, giầy da, nhựa, bao bì, kinh doanh, bán hàng, mộc, mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn,…

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã có những phương án kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, như: Tổ chức các sàn giao dịch việc làm (cố định, online, lưu động), các hội nghị định hướng việc làm, tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin trên môi trường điện tử…

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng lao động có sự dịch chuyển từ miền Nam và một số tỉnh phía Bắc về Thanh Hóa tương đối lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang thiếu hụt lao động, có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, năm 2020 số lao động mất việc làm đến Trung tâm giải quyết thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp là gần 33 nghìn người và năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát nhưng số lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp giảm xuống còn 21.000 người.

Về việc số lao động làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh trong năm 2021, theo ông Hoàng Duy Xuyên lý do là sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát, một số lao động quay trở lại nơi làm việc cũ, một số đã tìm kiếm được công việc mới tại địa phương.

Năm 2022, theo dự báo của Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, số lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp sẽ còn giảm tiếp.

Gần 17.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động - 2

Trong tháng 3 này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa dự kiến tổ chức sàn giao dịch việc làm online kết nối 7 tỉnh, thành phố (Ảnh: CTV).

Song song với việc giải quyết thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, đặc biệt là tư vấn cho số lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có những hội nghị tổ chức cho 500-600 người tại Trung tâm. Trong năm 2021, bình quân mỗi tháng, Trung tâm tổ chức từ 1-2 sàn giao dịch việc làm tại chỗ và có mời các doanh nghiệp đến tham gia.

Trong tháng 2 có 167 doanh nghiệp cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng 7.310 lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cũng đã tổ chức một sàn giao dịch việc làm online và trong tháng 3 sẽ tổ chức sàn nữa kết nối 7 tỉnh, thành phố.

Cũng theo ông Hoàng Duy Xuyên, Trung tâm đã đấu mối với hàng chục doanh nghiệp lớn trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đặt vấn đề hỗ trợ tuyển dụng 9.000 lao động.