Doanh nghiệp Đồng Nai thi nhau tuyển lao động sau dịp Tết

Ngày 25/2, Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ (đóng tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Lao động tìm kiếm việc làm qua Bảng thông tin thị trường lao động. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lao động tìm kiếm việc làm qua Bảng thông tin thị trường lao động. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tại phiên giao dịch, có 43 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với nhu cầu gần 3.000 người, cao gấp nhiều lần những sàn giao dịch trước.

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ, đây là lần đầu tiên sau Tết Bính Thân 2016 đơn vị này tổ chức sàn giao dịch việc làm. Trong nhu cầu tuyển lao động trên, có 85% là lao động phổ thông, còn lại là công nhân kỹ thuật, lao động có trình độ cao đẳng, đại học.

Các ngành nghề tuyển dụng chủ yếu gồm may mặc, giày da, linh kiện điện tử, bảo hiểm, dịch vụ ăn uống... Dù cầu lao động lớn, song sàn giao dịch chỉ thu hút gần 1.000 người đến tìm việc; doanh nghiệp tuyển được gần 450 người.

Do không tuyển đủ công nhân nên nhiều doanh nghiệp tham gia sàn cho biết sắp tới, sẽ phải cử người về các huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm lao động.

Ông Lâm Thanh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ cho biết đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân 2016. Mặc dù tỷ lệ công nhân quay lại làm việc đạt cao song các doanh nghiệp vẫn cần tuyển hàng chục nghìn lao động để mở rộng sản xuất.

Ông Thu cho biết sàn giao dịch việc làm được mở ra là để kết nối cung cầu lao động, song người tham gia sàn chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp, ít có lao động phổ thông. Điều này do lao động phổ thông thường có thói quen trực tiếp đến doanh nghiệp tìm việc. Nhiều người vẫn chưa biết tham gia sàn giao dịch nên sẽ được tư vấn nghề nghiệp, lựa chọn những công việc khác nhau, qua đó lao động phát huy được sở trường của mình.

Sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân 2016, tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai như Amata, Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa), Bàu Xéo, Hố Nai (huyện Trảng Bom)..., các biển thông báo tuyển lao động xuất hiện dày đặc; ngành nghề tuyển dụng nhiều nhất là công nhân may, giày da.

Có những doanh nghiệp như Công ty Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo) tuyển gần 4.000 công nhân với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng; Tổng Công ty May Đồng Nai tuyển 1.000 công nhân; Công ty Trách nhiệm hữu hạn NamYang Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) tuyển 1.000 lao động phổ thông, thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng. Vì cần gấp công nhân, một số doanh nghiệp đã cử nhân viên văn phòng ra các tuyến đường quanh khu công nghiệp để tư vấn, giới thiệu và trực tiếp tuyển dụng.

Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ, hiện ở Đồng Nai có một số công ty may đưa ra mức lương 10 triệu đồng/tháng dành cho công nhân mới vào làm việc, điều này nhiều khả năng không có thực mà là hình thức doanh nghiệp quảng cáo để thu hút công nhân.

Thực tế cho thấy hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai trả lương cho công nhân cao hơn quy định của Nhà nước, chi thêm các khoản phụ cấp, song với lao động mới vào làm việc, thu nhập chỉ dao động khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trước khi vào làm việc tại các công ty, lao động cần tìm hiểu, thỏa thuận rõ mức lương với chủ doanh nghiệp./.

Theo Vietnamplus

http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-dong-nai-thi-nhau-tuyen-lao-dong-sau-dip-tet/372916.vnp