Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội:

Doanh nghiệp cố tình nợ bảo hiểm xã hội thì phải ra tòa

Đến nay, các cấp CĐ TP.Hà Nội đã tiếp nhận 123 hồ sơ các doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH từ cơ quan BHXH để khởi kiện. Trong đó, đã chuyển đến TAND cấp huyện khởi kiện 23 DN. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, phía tòa vẫn chưa xét xử vụ kiện nào.

Liên quan vấn đề này, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Lê Đình Hùng, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), các cấp CĐ TP.Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện khởi kiện các DN nợ đọng BHXH ra tòa.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội nhấn mạnh:

- Tình hình nợ đọng BHXH trên địa bàn TP.Hà Nội có chiều hướng gia tăng. Tính đến tháng 11.2016, toàn TP có 31.428 DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 2.220 tỉ đồng. Trong đó, nợ trên 3 tháng là 15.534 DN với tổng số tiền 1,710 tỉ đồng; 15.894 DN nợ dưới 3 tháng với tổng số tiền là 510 tỉ đồng.

Việc nợ đọng BHXH của các DN nói trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng trăm ngàn NLĐ vì họ không được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản; không được chốt sổ BHXH để chuyển nơi công tác mà không phải lỗi của họ.


Người lao động sẽ yên tâm sản xuất nếu được đảm bảo các quyền lợi theo luật pháp quy định. Ảnh: X.TRƯỜNG

Người lao động sẽ yên tâm sản xuất nếu được đảm bảo các quyền lợi theo luật pháp quy định. Ảnh: X.TRƯỜNG

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, các quy định tại khoản 8 Điều 10 Luật CĐ; khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm d, khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 về quyền hạn của tổ chức CĐ trong tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ tranh chấp LĐ cá nhân, tranh chấp LĐ tập thể, Ban Thường vụ LĐLĐ TP.Hà Nội đã chỉ đạo các cấp CĐ TP.Hà Nội thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với việc chọn 8 DN tại 6 quận, huyện có số tiền nợ đọng BHXH lớn để khởi kiện thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện.

LĐLĐ TP.Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về khởi kiện các DN nợ đọng BHXH ra tòa đến các cấp CĐ để thực hiện khởi kiện; đồng thời đã tổ chức tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng và các luật, bộ luật nói trên cho các CBCĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù các LĐLĐ quận, huyện, thị xã đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH, TAND cùng cấp để triển khai thực hiện; chuẩn bị các thủ tục tố tụng theo quy định, trong đó đã chuyển tòa án khởi kiện 23 DN nhưng vẫn chưa được tòa án xét xử.

Vấn đề vướng mắc ở đây là gì, thưa ông, làm sao để hồ sơ khởi kiện của các cấp CĐ được tòa án thụ lý, xét xử, không trả lại?

- Việc khởi kiện các DN cố tình nợ đọng BHXH là công việc mới của tổ chức CĐ. Việc đến thời điểm này, phía TAND cấp huyện chưa đưa ra xét xử vụ nào là do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Thứ nhất, về thẩm quyền khởi kiện, CĐ chỉ có quyền khởi kiện khi được NLĐ ở DN đó ủy quyền và phải có giấy công chứng. Thứ hai, thẩm quyền đứng ra khởi kiện theo quy định của pháp luật là CĐCS hoặc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nơi DN chưa có tổ chức CĐ.

Trong thực tiễn, năng lực, trình độ đội ngũ CB của CĐCS hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng. Trong khi đó, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để CĐCS có thể đại diện khởi kiện một vụ tranh chấp LĐ tập thể ra tòa án. CĐ cấp trên cơ sở chỉ được khởi kiện khi có giấy ủy quyền của CĐCS hoặc NLĐ.

Mặt khác, về thủ tục hồ sơ khởi kiện có quá nhiều thủ tục, quy trình khó đáp ứng (ví dụ phải qua thủ tục hòa giải, thủ tục giải quyết của UBND quận, huyện, thị xã thì CĐ mới được khởi kiện). Ngoài ra, chưa có hướng dẫn về quy trình tham gia tố tụng của TAND Tối cao đối với hoạt động khởi kiện của tổ chức CĐ nên việc áp dụng để xét xử của tòa án cấp huyện ở các quận, huyện, thị xã là chưa thống nhất.

Một thực tế nữa là, hôm nay DN bị thanh tra, bị khởi kiện với số liệu nợ đọng BHXH là chừng này, nhưng ngày mai DN đó lại đóng thêm một khoản BHXH nhỏ nữa để đối phó dẫn đến số liệu nợ đọng BHXH thay đổi và cơ quan chức năng lại phải làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng NLĐ chưa quen giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng, còn ngại việc tự nguyện viết đơn ủy quyền nên khiến CĐ gặp nhiều khó khăn trong việc khởi kiện DN nợ đọng BHXH ra tòa.

Từ thực tiễn nói trên, bản thân ông và LĐLĐ TP.Hà Nội có đề xuất, kiến nghị gì?

- Thứ nhất, LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị TAND Tối cao sớm ban hành hướng dẫn quy định về thẩm quyền, quy trình, hồ sơ, thủ tục để CĐ khởi kiện một vụ án tranh chấp LĐ cá nhân, tranh chấp LĐ tập thể. Trong đó, giao cho tổ chức CĐ được quyết định lựa chọn đơn vị đại diện khởi kiện ra tòa án đối với DN vi phạm pháp luật về LĐ, Luật CĐ và Luật BHXH (vì với thực tế hiện nay, CĐCS chưa đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này).

Thứ hai, cần đơn giản thủ tục giải quyết tranh chấp LĐ tập thể, tranh chấp LĐ cá nhân để NLĐ và CĐ có thể lựa chọn hình thức giải quyết là có cần qua hòa giải hay khởi kiện thẳng ra tòa án. Thứ ba, về phía tổ chức CĐ, cần tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng cho đội ngũ CBCĐ; cần phải hình thành bộ phận CBCĐ chuyên trách tham gia tố tụng dân sự của tổ chức CĐ.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Báo Lao động