Doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm

Không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất cho biết, do đơn hàng ngày càng giảm nên lượng lao động bị thôi việc tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN cam kết dù khó khăn thế nào vẫn phải tạo việc làm, duy trì công việc cho công nhân lao động.

Doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm - 1

Không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất cho biết, do đơn hàng ngày càng giảm nên lượng lao động bị thôi việc tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN cam kết dù khó khăn thế nào vẫn phải tạo việc làm, duy trì công việc cho công nhân lao động.

Đơn hàng giảm, công nhân mất việc làm

Thuỳ Linh (26 tuổi) - công nhân (CN) của một công ty (Cty) về da giày ở thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) - cho biết, bình thường chị làm 26 công/tháng và được nghỉ chủ nhật. Tuy nhiên, tháng vừa rồi, do Cty gặp khó khăn nên chị chỉ được làm 14 công/tháng và không tăng ca, làm thêm giờ.

“Ban lãnh đạo Cty nói với chúng tôi rằng, trước nay 100% đơn hàng của Cty xuất khẩu. Nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Cty bị cắt giảm các đơn hàng nên lượng việc ít đi, đồng thời cắt giảm một số vị trí làm việc để cơ cấu lại nhân sự” - chị Linh nói.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo ngày 10.7 về lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm cho thấy: Cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... 

Theo đó, mặc dù từ tháng 4.2020, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, cả nước nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng ảnh hưởng của Covid-19 vẫn tác động lên nhiều mặt kinh tế, xã hội.

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, thu nhập bình quân tháng của lao động (LĐ) trong quý II/2020 giảm đáng kể, đặc biệt là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - cho hay: Thu nhập bình quân tháng của LĐ quý II/2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là năm đầu tiên thu nhập của LĐ trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%). Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của LĐ quý II/2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%” - bà Oanh thông tin thêm.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của LĐ quý II/2020 khu vực dịch vụ giảm 7,3%, giảm mạnh nhất trong ba khu vực kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%.

Trong số 21 ngành Kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của LĐ quý II/2020 giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 19,2%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,3%); ngành vận tải kho bãi (giảm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 9,1%).

“Gồng mình” giữ việc cho người lao động

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM - nói rằng, từ tháng 4 đến nay, các quốc gia là thị trường lớn của ngành Gỗ Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) đều thông báo hủy, giảm, hoãn vô thời hạn các đơn hàng đã ký. Do đó, ngoài việc cắt giảm nhân sự, nhiều DN còn cho nghỉ luân phiên và giãn cách để tránh cho thôi việc hàng loạt. “Trong DN gỗ, mức giảm nhân sự bình quân 20-30%” - ông Phương khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng Giám đốc (PTGĐ) Cty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao - MXP, ở Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 cơ bản được khống chế nhưng “tàn dư” của dịch vẫn tác động xấu đến các lĩnh vực kinh tế, trong đó có dệt may.

“Nếu như ngành nghề khác có thể làm việc online được, nhưng với ngành Dệt may thì không. Chính vì vậy, trong những tháng vừa qua, chúng tôi không xuất khẩu được sản phẩm, phía đối tác ở Mỹ và Châu Âu không bán được hàng, hàng ứ đọng rất nhiều” - bà Giang nói.

Việc các đơn hàng không xuất khẩu được, hoặc xuất khẩu nhỏ giọt, bà Giang cho rằng, ảnh hưởng khá lớn đến tình hình công ăn việc làm cho CN, người lao động (NLĐ). “Từ tháng 5, chúng tôi chỉ cho CN làm đủ 8 tiếng, không tăng ca như trước. Song, dù thế nào vẫn phải đảm bảo thu nhập cho NLĐ từ 5,5-6 triệu đồng/tháng, đảm bảo mức lương đủ sống” - bà Giang nói.

Và bà Giang cho biết, Cty vẫn duy trì hỗ trợ cho NLĐ, nhưng ở mức thấp hơn. Nếu như trước thưởng ngày lễ 30.4 là 500.000 đồng, giờ giảm xuống còn 300.000 đồng, hỗ trợ tiếp sức cho con CN đến trường giảm từ 1 tháng lương xuống còn 1 triệu đồng.

“Dù vậy, trong buổi tổng kết 6 tháng đầu năm của Cty, Chủ tịch HĐQT đã cam kết với CN phải giữ bằng được CN làm việc, cam kết không sa thải, không có hành vi hạn chế quyền làm việc của NLĐ. Đối với nghề may, để đào tạo một CN lành nghề rất khó. Vì lẽ đó, chúng tôi luôn xác định, CN chính là tài sản của DN. Thậm chí, chúng tôi còn xác định năm nay có hoà hoặc lỗ vốn thì vẫn phải giữ chân NLĐ” - PTGĐ Công ty MXP cho hay.

Theo Cường Ngô

Lao động