Đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa tai nạn lao động.
Theo công văn, thời gian qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong thi công xây dựng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Điển hình một số vụ, như: vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm 03 người chết xảy ra vào lúc 07 giờ 20 phút ngày 21/01/2019 tại công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại tổ 19. đường Châu Thị Tế, khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tinh An Giang do ông Trần Văn Lật và bà Phạm Thị Kim Chi làm chủ đầu
Vụ tai nạn lao động xảy ra 10 giờ 00 phút ngày 15/3/2019 tại Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát là nhà thầu thi công; Công ty TNHH BOHSING tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư, hậu quả làm 06 người chết, 02 người bị thương đều là người lao động của Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng công nghiệp Hưng Thịnh Phát;
Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do vụ sập công trình: Xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 14/5/2020, hậu qua làm 10 người chết, 15 người bị thương là công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga nhà thầu xây dựng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, xảy ra tình trạng như trên, nguyên nhân cơ bản là do vi phạm quy trình an toàn trong thi công xây dựng, như không tập huấn an toàn, vệ sinh lao động, không lập biện pháp thi công, không cử người giám sát an toàn lao động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, chân chính công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết và bị thương nhanh chóng ổn định, vượt qua khó khăn, mất mát.
Bộ cũng yêu cầu các UBND phải thông tin, tuyên truyền về thiệt hại, sự cố mất an toàn lao động dẫn đến xảy ra tai nạn lao động liên tục xảy ra trong thời gian qua.
Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29- CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế", Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuan trong thi công xây dựng, đặc biệt là người lao động, phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trang bị, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các thiết bị an toàn...
Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phải chi đạo các ngành có liên quan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các công trình xây dựng trên địa bàn đối với các nhóm lao động, tổ, đội có thuê mướn lao động để cải tạo nhà ở, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành rà soát thực hiện nghiêm việc quản lý chất lượng các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách ngăn tường bao che, tường ngăn kích thước lớn theo văn bản 1914/BXD-GĐ ngày 14/8/2014 của Bộ Xây dựng. Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn nêu rõ, trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Minh Anh