1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Diễn đàn hướng nghiệp: Học nghề gì dễ kiếm việc khi ra trường?

(Dân trí) - Thống kê của Ngân hàng thế giới, 8/10 nghề đang hút nhân lực thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, như nghề lắp ráp, điều khiển máy, cơ khí, điện - điện tử…Bên cạnh đó, nhiều nghề giúp người lao động tìm được việc làm khi đi xuất khẩu lao động với mức lương từ 18-25 triệu đồng/tháng.

 Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ thông tin về nghề nghiệp việc làm tại Giao lưu trực tuyến về tuyển sinh cao đẳng, đại học 2019. Chương trình do Kênh truyền hình Thông tấn xã VN thực hiện đầu tháng 4 vừa qua.

Nhận định về nhu cầu phát triển nhân lực ngành giáo dục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang có hơn 500 nghề thuộc danh mục đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng, lĩnh vực đào tạo sơ cấp có tới hàng ngàn ngành nghề.

Ông Trương Anh Dũng nói về cơ học nghề việc làm của bạn trẻ (Nguồn: Truyền hình Thông tấn)

Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, thị trường lao động hiện có 10 ngành nghề đang thu hút nhân lực và phát triển nhanh nhất. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có tới 8 ngành nghề, như: Nghề lắp ráp, điều khiển máy, cơ khí, điện - điện tử, dịch vụ nhà hàng…

Bên cạnh đó, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM (Falmi) cũng đưa ra dự báo các ngành nghề cần thiết tới năm 2025, trong đó có nhiều ngành nghề liên quan tới công nghệ thông tin, cơ điện tử, công nghiệp chế biến, dịch vụ vận tải, du lịch, xây dựng, y tế…Nhiều ngành nghề trong đó đang đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0.

“Ngay trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam cần tới 500.000 lao động; du lịch và dịch vụ cân đào tạo thêm 25.000 lao động và số lượng tương tự cần đào tạo lại” - ông Trương Anh Dũng nói.

Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề có thể học để tham gia hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Theo ông Trương Anh Dũng, những năm gần đây, công tác XKLĐ có kết quả tốt trong 3 năm qua.

Hiện nay, 3 thị trường XKLĐ đang tiếp nhận nhiều lao động VN là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có thu nhập khá cao, từ 25-30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí hàng tháng, người lao động có thể còn 20 triệu đồng/tháng. Với thị trường lao động Đài Loan, người lao động có khoảng 18 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập khác cao.

Ngoài ra, nhiều thị trường lao động ở Châu Âu cũng thu hút người lao động với mức lương từ 600-800 USD/tháng.

Ông Trương Anh Dũng cung cấp thêm: “Mới đây, chương trình đưa lao động sang Nhật Bản có sự thay đổi từ 1/4/2019. Theo đó, yêu cầu đầu vào cao hơn, người lao động muốn tham gia phải dự thi “đầu vào” của 1/14 ngành nghề của phía Nhật Bản”.

Ngoài ra, thời gian làm việc sẽ tăng lên tới 5 năm, thậm chí nếu vượt qua kỳ thi trên thì có thể gia hạn thời gian làm việc tới 10 năm.

Về thu nhập, quy định của chương trình mới này yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả lương người lao động tương đương với lao động bản địa.

Một số ngành nghề liên quan tới xây dựng, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ nhà hàng, cơ điện tử…

“Điểm quan trọng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có thể phối hợp với nhà tuyển dụng Nhật Bản để tổ chức đào tạo cho người lao động trước khi thi tuyển trên” - ông Trương Anh Dũng nói.

Hoàng Mạnh lược ghi