1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dịch vụ việc làm vẫn bát nháo

Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động và tiếp tục đưa người lao động vào bẫy

Đầu tháng 4-2019, Báo Người Lao Động có loạt bài "Bát nháo dịch vụ việc làm" phản ánh thực trạng nhiều trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách để moi tiền người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, đến nay, tình hình vẫn chưa được xử lý triệt để và NLĐ vẫn là nạn nhân của các trung tâm này.

Mất tiền oan ức

Bát nháo nhất vẫn là hoạt động của các trung tâm GTVL nằm gần Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP HCM). Các trung tâm này vẫn giở những chiêu trò cũ để đưa NLĐ vào bẫy, đó là thu một khoản phí dịch vụ khá cao và mập mờ về địa điểm làm việc.

Trong vai người xin việc, chúng tôi đến Trung tâm GTVL A.K (Quốc lộ 22, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Vừa thấy chúng tôi, một nữ nhân viên ở đây đon đả mời vào, huyên thuyên giới thiệu: "Em cần việc gì, nặng nhọc hay nhẹ nhàng? Chỗ chị việc gì cũng có, từ thợ hồ, bốc vác, may gia công, nhân viên văn phòng… thu nhập cao, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm đầy đủ".

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn làm tại một công ty bốc xếp thì nữ nhân viên này bồi thêm: "Chuyện nhỏ, tướng em khỏe mạnh, rất phù hợp với công việc bốc xếp. Chỗ chị giới thiệu em lương tháng khoảng 10 triệu đồng".

Dứt lời, nhân viên này yêu cầu tôi đóng 500.000 đồng phí trước khi nhận việc. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao chưa nhận việc mà phải đóng 500.000 đồng thì chị ta giải thích: "Đây là tiền phí dịch vụ. Nếu em đến đó mà không nhận việc thì sẽ không được hoàn lại tiền và đây là quy định".

Lấy lý do chưa có việc làm mà phải mất tiền nên chúng tôi từ chối, đổi lại là ánh mắt hậm hực của nữ nhân viên nọ.

Dịch vụ việc làm vẫn bát nháo - 1

Một điểm giới thiệu việc làm tại Bến xe An Sương Ảnh: Thành Đồng

 

Đến một trung tâm GTVL không có biển hiệu khác nằm cách đó khoảng 200 m, chúng tôi được một nam thanh niên ngồi trực tại bàn giới thiệu một số đầu việc đang có nhu cầu tuyển dụng, chủ yếu là lao động phổ thông như bốc xếp, giữ xe, quản lý khu vui chơi trẻ em.

Ra vẻ chần chừ, chúng tôi chọn công việc phụ giúp quản lý khu vui chơi trẻ em. Nam thanh niên này cho biết nếu muốn dẫn đến tận chỗ làm thì tôi phải đóng 500.000 đồng. "Đây chỉ là khoản lệ phí GTVL. Nếu đồng ý nhận việc, anh phải đóng thêm 500.000 đồng nữa để mua đồng phục" - anh ta ra điều kiện.

Chúng tôi quay lại địa điểm GTVL tại địa chỉ số 46 đường 743, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương mà trước đây đã phản ánh trong loạt bài "Bát nháo dịch vụ việc làm".

Dù mới 8 giờ nhưng đã có hàng chục lao động được các xe ôm chở đến đây để nhận việc. Làm quen với anh Đào Anh Hùng, quê Vĩnh Long, chúng tôi được biết anh được một trung tâm GTVL gần Bến xe Miền Tây giới thiệu xuống đây làm công nhân bốc xếp.

Cũng như gần chục lao động khác, anh Hùng bị buộc phải đóng 500.000 đồng gọi là "phí GTVL", chưa kể phí vận chuyển. Nhưng khi đến đây, anh và nhiều lao động khác được yêu cầu quay về vì theo giải thích của trung tâm này là hiện chưa có việc làm. Biết bị lừa và mất tiền oan ức song anh Hùng đành "ngậm bồ hòn"...

Cần siết chặt khâu cấp phép

Là một chuyên gia về thị trường lao động, việc làm, ông Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM - cho biết cần phải xử lý mạnh tay trung tâm GTVL hoạt động "chui" để NLĐ không còn bị lừa như hiện nay.

"Đã nhiều lần báo chí phản ánh, NLĐ kêu cứu và các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng đâu lại vào đấy. Họ vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục thu tiền của NLĐ mà không thực hiện dịch vụ của mình. Các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu cấp phép, nhất là điều kiện kinh doanh, để lọc ra những doanh nghiệp làm dịch vụ uy tín hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt các trung tâm GTVL "chui" - ông Tuấn bày tỏ.

Ông Tuấn cũng khuyên NLĐ khi có nhu cầu tìm việc hãy tìm đến các trung tâm GTVL của địa phương nơi mình sinh sống hoặc chọn những đơn vị uy tín để tìm việc. Các quận, huyện tại TP HCM đều có trung tâm GTVL Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ; nhiều quận cũng có địa chỉ trợ giúp NLĐ có nhu cầu tìm việc.

Vì vậy, khi có nhu cầu tìm việc, hãy đến những địa chỉ này để được trợ giúp. Đừng vội nộp tiền cho những công ty dịch vụ môi giới hoạt động không minh bạch.

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành đoàn TP HCM), cho biết rất dễ nhận diện các trung tâm GTVL "chui", bởi những nơi này không cố định địa điểm hoạt động, cơ sở vật chất sơ sài. Nhân viên ở đó thường dùng lời lẽ ngon ngọt để dụ dỗ NLĐ, nào là việc nhẹ, lương cao, đãi ngộ tốt…

Mức phí GTVL mà các trung tâm này thu của NLĐ dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. "NLĐ cần việc có thể liên hệ các chi nhánh của trung tâm tại các bến xe: An Sương, Ngã tư Ga, Miền Đông, Miền Tây và sẽ được nhân viên chúng tôi tư vấn để tránh "tiền mất tật mang". Đường dây nóng hỗ trợ NLĐ 24/24 giờ của trung tâm là: 0936.508.505" - ông Cường lưu ý.

Mức phí không vượt quá 200.000 đồng

Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức phí GTVL không vượt quá 200.000 đồng/lần; tư vấn không quá 10.000 đồng/lần. Nếu thấy trung tâm nào thu phí cao hơn, NLĐ nên báo ngay với các cơ quan chức năng.

 Theo Thành Đồng - Giang Nam/Người lao động