Dịch Covid-19 khiến công nhân tại Hà Nội ngại nhảy việc sau Tết
(Dân trí) - Khác với thời điểm sau Tết của các năm trước, tình trạng công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Nội nhảy việc sau Tết Tân Sửu đã giảm mạnh.
Nguồn việc có khả năng ít hơn
Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật (LĐLĐ TP Hà Nội) cho hay: "Những ngày đầu tiên trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tại các khu công nghiệp (KCN), tỉ lệ công nhân nhảy việc, chuyển công ty diễn ra không đáng kể".
Theo thống kê sơ bộ của LĐLĐ TP Hà Nội, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán 2021 là khoảng 94,5%, có những doanh nghiệp trên 98%. Công nhân có mặt đúng ngày giờ quy định, tạo ra bầu không khí lao động khẩn trương, tích cực thể hiện ngay trong những ngày đầu năm mới.
Ông Tạ Văn Dưỡng cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi, trái ngược với các năm trước, năm nay, tình trạng công nhân nhảy việc, chuyển công ty giảm rõ rệt. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Không khó để tìm ra nguyên nhân. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, khiến số lượng công việc giảm mạnh dẫn đến công nhân khó tìm việc làm hơn.
"Mọi năm, sau Tết nhiều đơn vị tích cực sản xuất đơn hàng năm mới, nhiều vị trí và chính sách ưu đãi để tuyển dụng công nhân được các doanh nghiệp đưa ra kiến công nhân có xu hướng nhảy việc. Nhưng năm nay, công việc khó tìm nên công tình trạng nhảy việc ít diễn ra" - ông Tạ Văn Dưỡng cho hay.
Cũng theo Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội, khối dịch vụ du lịch đang đóng cửa, nên người lao động tràn vào khu vực sản xuất, các khu công nghiệp. Cơ hội tìm việc làm trong lúc này rất khó nên tâm lý công nhân không nhảy việc.
Ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng, đầu năm 2021, khối dệt may và giày da ở Hà Nội là khó khăn nhất. Bởi vì, đơn hàng thường gối đầu cuối năm ngoái đến gần Tết năm sau hoặc 6 tháng. Nhưng các nước khẩu lớn lại đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Họ đã giảm bớt đơn đặt hàng mới. Tình trạng thiếu việc làm trong các doanh nghiệp dệt may, giày da là có thể xẩy ra trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngoài ra, nguyên nhân công nhân không nhảy việc đầu năm mới là một tín hiệu vui về sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động.
"Năm qua là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp và người lao động. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội không xảy ra vụ đình công hay xung đột nào giữa người lao động và doanh nghiệp" - ông Tạ Văn Dưỡng Thông tin.
Cũng theo ông Tạ Văn Dưỡng, dịp Tết Tân Sửu 2021, hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn TP Hà Nội đều chăm lo tốt cho người lao động như lương, thưởng, quà Tết… nên người lao động cũng có xu hướng đồng hành với doanh nghiệp.
Cũng bàn về tác động của Covid-19, bà Phan Thị Mai Dung - Phó Chủ tịch công đoàn Công ty SD Việt Nam tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long - chia sẻ: "Khác với mọi năm, tỷ lệ công nhân nhảy việc sang công ty khác tại công ty chúng tôi hầu như không diễn ra. Số lượng nhỏ công nhân xin thôi việc là những công nhân làm việc ngắn hạn và có trình độ cao đẳng, đại học. Họ đi làm công nhân là để chờ cơ hội việc làm đúng như ngành nghề đã học".
Thời điểm này hàng năm, công ty nơi chị Phan Thị Mai Dung làm việc lại có mối lo hàng chục công nhân nhảy việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất. Nhưng năm nay, công ty không còn phải "chạy đôn, chạy đáo" đi tuyển công nhân đầu năm nữa.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Trương Ngọc Ánh quê ở Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết: "Năm qua, công ty khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được lương thưởng cho anh chị em công nhân. Chúng tôi thấy tin tưởng hơn vào công ty và sẽ đồng hành cùng công ty trong năm mới".
Hơn 9 năm làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, đã 2 lần chị Trương Ngọc Ánh chuyển việc vì lý do chế độ đãi ngộ và giờ làm việc của công ty không đảm bảo.