Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc

(Dân trí) - Chấp nhận hoạt động không tính lợi nhuận, chuyển hướng sang phục vụ tại nhà… nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An thích ứng nhanh với tình hình diễn biến Covid-19 để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc - 1
Nhiều nhà hàng, quán ăn chuyển sang phục vụ tận nơi hoặc bán mang về khi Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 có hiệu lực.

Theo thống kê của Cục Thuế Nghệ An, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến tỉnh này hụt thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trong đó, ngành du lịch, dịch vụ được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là khi triển khai Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

“Đây là khó khăn của ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống chứ không phải riêng tôi. Đóng cửa phòng dịch là trách nhiệm, cũng là tự bảo vệ bản thân và người lao động”, chị Nguyễn Thị Hằng - chủ một nhà hàng có tiếng ở TP Vinh cho biết.

Tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ buộc phải đóng cửa. Lao động không có việc làm, tản mát về quê hoặc chuyển sang các công việc khác.

Do vậy, dừng hoạt động, bên cạnh mất thu nhập, mất khách, các cơ sở kinh doanh này còn đối diện với nguy cơ mất số lao động lành nghề đã được đào tạo và quen việc lâu nay.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc - 2

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - 1 trong số ít lao động vẫn giữ được việc làm, đảm bảo thu nhập khi nhà hàng thực hiện việc đóng cửa phòng dịch.

Nhà hàng mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm, số vốn hàng tỉ đồng đầu tư ban đầu chưa thể thu hồi. Có 15 lao động thường xuyên làm việc việc ở đây với thu nhập từ 5-12 triệu đồng tùy từng vị trí, mỗi ngày phục vụ khoảng trên gần 500 thực khách.

Bởi vậy, đóng cửa đồng nghĩa với việc người lao động không có thu nhập, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Trước quy định tạm đóng cửa, vợ chồng chị Hằng quyết định chuyển hướng phục vụ: ship tận nơi hoặc chuẩn bị sẵn để khách đến lấy về. Đặc thù của nghề kinh doanh hàng ăn thì thực phẩm phải tươi sống, nếu không bán hết trong ngày đồng nghĩa với chấp nhận lỗ.

Bên cạnh đó cũng không thể đảm bảo việc làm cho tất cả nhân viên nên anh chị buộc phải lựa chọn những vị trí cốt yếu và những người thực sự khó khăn.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc - 3
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Công ty CP cơ khí và xây dựng Hà Thành bị đối tác hoãn 5 công trình lớn đã ký kết từ trước Tết nhưng công ty đã linh động để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt là 1 trong 4 nhân viên được chủ cửa hàng giữ lại bởi hoàn cảnh quá khó khăn. “Tôi đang nợ ngân hàng 1 khoản lớn, ngoài tiền lãi còn tiền trả nợ hàng tháng. Nếu mất việc thì tôi không biết làm thế nào với hai khoản nợ nói trên. Khi quán chuyển sang phục vụ tận nhà, tôi may mắn được giữ lại. Thời điểm này có công việc và thu nhập ổn định đối với tôi là điều cực kỳ quan trọng”.

Trong khi nhiều đồng nghiệp ở các công ty khác mất việc do thu hẹp sản xuất vì dịch bệnh thì anh Trương Văn Phương (Công ty CP cơ khí và xây dựng Hà Thành, huyện Hưng Nguyên) vẫn được đảm bảo mức lương trên 10 triệu/1 tháng.

Thậm chí, công nhân của công ty vẫn phải tăng ca đến 7-8h đêm để kịp bàn giao công trình đúng tiến độ.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc - 4
Bà Nguyễn Thị Hoa: Dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp không có quyền lựa chọn, thậm chí chấp nhận không lợi nhuận để duy trì hoạt động và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Dịch Covid-19 khiến Công ty CP cơ khí và xây dựng Hà Thành bị đối tác tạm hoãn triển khai 5 đơn hàng lớn đã thỏa thuận cuối năm ngoái. Kế hoạch sản xuất bị “vỡ” trong khi vẫn phải đảm bảo thu nhập cho gần 60 lao động buộc chủ doanh nghiệp này không “kén chọn” đơn hàng như trước đây.

“Trong thời điểm này chúng tôi không tính đến lợi nhuận, thậm chí chấp nhận lỗ để duy trì công việc và thu nhập cho anh em lao động. Với quy mô và uy tín của công ty, trước đây chúng tôi chỉ nhận những đơn hàng lớn thì nay sẵn sàng nhận tất cả đơn hàng nhỏ.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp loay hoay giữ người, giữ việc - 5
Bên cạnh đảm bảo thu nhập, các lao động của Công ty CP cơ khí và xây dựng Hà Thành còn được hỗ trợ 50% bảo hiểm xã hội và 100% bảo hiểm tai nạn.

Được biết, công ty đang sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ra để bù lỗ, trả lương cho công nhân lao động, ngoài ra còn hỗ trợ 50% chi phí bảo hiểm xã hội, hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm tai nạn lao động 24/24h cho công nhân để người lao động yên tâm sản xuất, lo cho gia đình.

Chị Hoa cho biết mục đích: "Chỉ khi đảm bảo đời sống thì người lao động mới có thể gắn bó với công ty và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, công ty trích kinh phí trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch diệt khuẩn cho người lao động.

Thay vì tổ chức cho người lao động ăn chung tại căn-tin như trước đây, chị Hoa quyết định mua khay nhôm về để phân chia thức ăn theo khẩu phần, hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc gần.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. Thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. Người đứng đầu tỉnh Nghệ An đã giao các ban ngành liên quan phân tích những khó khăn, thách thức đối với từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay để đưa ra các giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, chủ động các giải pháp ổn định sản xuất khi dịch qua đi.

Hoàng Lam