Đi phí cao, về thiếu việc

Chi phí xuất cảnh cao nhưng khi về nước lại thiếu việc làm, thu nhập thấp là nguyên nhân dẫn đến nhiều lao động sang Nhật Bản bỏ trốn, ở lại làm việc.

"Phía Nhật Bản cần có biện pháp tăng cường giám sát đối với các nghiệp đoàn, xí nghiệp tiếp nhận tu nghiệp sinh (TNS) Việt Nam, tránh cạnh tranh không lành mạnh, làm tăng chi phí của TNS...”. Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab - thuộc Bộ LĐ-TB-XH), phát biểu như vậy tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động phái cử và tiếp nhận TNS Việt Nam sang Nhật Bản”, do Dolab phối hợp với Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (Jitco) tổ chức ngày 10/9, tại TP HCM.

Ngăn lạm thu, đội phí

Những vướng mắc, hạn chế của chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN) hai nước đưa ra mổ xẻ tại hội thảo. Ông Lê Văn Thanh cho biết theo Luật Quản lý Xuất nhập cảnh và Công nhận tị nạn của Nhật Bản, kể từ ngày 1-7-2010, các DN phái cử TNS không được thu tiền bảo lãnh, ký quỹ hay thế chấp của người lao động (NLĐ), đồng thời không được thực hiện các hợp đồng có quy định tiền phạt do không thực hiện hợp đồng lao động. “Do không bị ràng buộc trách nhiệm như trước đây nên nhiều TNS vi phạm hợp đồng, bỏ trốn. Bản thân các DN phái cử cũng rất lúng túng, thậm chí bị thiệt hại vì không có biện pháp ràng buộc NLĐ tuân thủ hợp đồng” - ông Thanh nói.
Đại diện cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản trao đổi bên lề hội thảo
Đại diện cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản trao đổi bên lề hội thảo
 
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là TNS sang Nhật Bản vẫn phải tốn một khoản chi phí khá cao, bình quân 4.000-5.000 USD/người, mặc dù không phải đóng ký quỹ, thế chấp như trước. Báo cáo của Dolab chỉ rõ việc các nghiệp đoàn Nhật Bản và DN phái cử Việt Nam bắt tay để lạm thu TNS. Điển hình một số nghiệp đoàn thỏa thuận với DN phái cử buộc TNS phải nộp tiền vé máy bay đi và về.
 
Thêm vào đó, nhiều nghiệp đoàn yêu cầu DN phái cử chi trả phí môi giới (bình quân 1.000 - 2.000 USD/người). Thậm chí có DN phái cử tự nâng phí môi giới để chào mời các nghiệp đoàn Nhật Bản ký kết hợp đồng hoặc để tranh giành đối tác. Về việc này, ông Tsuzuki Kensuke, Phó Chủ tịch Jitco, nói: “Chúng tôi sẽ rà soát, buộc các nghiệp đoàn thực hiện đúng quy định, không thu phí ngoài luồng của TNS”. Về phần mình, ông Thanh cam kết: “Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý hành chính, giám sát các DN phái cử TNS nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn chặn lạm thu, đội phí, gây thiệt hại quyền lợi của TNS”.

Phải tạo việc làm bền vững

Việt Nam đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình thực tập kỹ năng từ năm 1992. Đến nay, 131 DN phái cử đã cung ứng hơn 40.000 TNS. Số lượng TNS sang Nhật Bản tăng đều trong những năm qua: năm 2011 là 6.985 người, tăng lên 8.000 người vào năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, con số này đạt 5.670 người. Hiện trên 20.000 TNS đang tu nghiệp và làm việc theo hợp đồng, thu nhập bình quân 1.000 USD/người/tháng. Ông Tsuzuki Kensuke cho biết các nghiệp đoàn, xí nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng tăng tuyển dụng TNS Việt Nam. Jitco và Bộ LĐ-TB-XH cũng đặt chỉ tiêu đưa 10.000 TNS sang Nhật Bản/năm.

Bên cạnh thống nhất thúc đẩy hợp tác, một nội dung khác được hội thảo tập trung thảo luận là chính sách hậu XKLĐ. Ông Nishikawa, đại diện Hiệp hội Chấn hưng DN nhỏ và vừa Yodogawa (TP Osaka), cho biết trong số 240 DN thành viên, rất nhiều DN rất muốn nhận TNS Việt Nam và bày tỏ mong muốn sẽ sử dụng họ ở các nhà máy, DN đầu tư tại Việt Nam. “Phần lớn TNS qua tiếp xúc họ rất băn khoăn về việc làm sau khi về nước. Do vậy, Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách để thu dụng TNS trở về” - ông Nishikawa nói.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng chi phí xuất cảnh cao, khi về nước lại thiếu việc làm, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều lao động sang Nhật Bản bỏ trốn, ở lại làm việc. Do vậy, theo ông Hòa, một mặt chấn chỉnh chương trình, một mặt phải tạo ra các chính sách để tạo việc làm bền vững cho TNS trở về. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần khuyến khích DN Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
 
“Trong buổi làm việc với Jitco ngày 9-9, chúng tôi đã thống nhất sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến tới lập ngân hàng việc làm cho lao động trở về từ Nhật Bản; trên cơ sở kết nối thông tin, hỗ trợ giới thiệu, cung cấp lao động giữa các cơ quan chức năng, DN phái cử và trung tâm giới thiệu việc làm cấp tỉnh, thành” - ông Hòa nhấn mạnh.

 

Theo Duy Quốc
NLĐ