Đề xuất vợ liệt sĩ tái giá được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế

(Dân trí) - “Vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/vợ khác nhưng đã có trách nhiệm chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và được nhà nước mua bảo hiểm y tế…”.

Đây là một nội dung mới trong Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đang được Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo và lấy ý kiến góp ý.

 Ba điểm chính

Trao đổi thêm về Dự thảo, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Dự thảo sửa đổi có 3 điểm chính, như điều kiện xác nhận người có công, bổ sung chế độ ưu đãi và bổ sung thẩm quyền của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH)

“Về điều kiện xác nhân người có công, Dự thảo sẽ bao quát rõ hơn về đối tượng điều chỉnh. Đơn cử khái niệm người bị địch bắt tù đày. Dự thảo nêu rõ khái niệm người bị địch bắt tù đày là người tham gia cách mạng, kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Pháp lệnh hiện nay chỉ quy định là người hoạt động cách mạng hoặc tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày” - ông Nguyễn Duy Kiên cho biết.

Về thời gian khởi điểm xác định người có công, Pháp lệnh hiện hành quy định từ năm 1945 về trước. Tuy nhiên, Dự thảo hiện quy định rõ từng giai đoạn, như: Từ năm 1925 cho đến trước năm 1945, từ đầu năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945, từ ngày khởi nghĩa tới thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc.

Liên quan tới chế độ chính sách, lãnh đạo Cục Người có công cho biết: Dự thảo sẽ bổ sung thêm chế độ trợ cấp một lần đối với những người có công đã mất nhưng chưa kịp hưởng chế độ khi được phong tặng, ví dụ như Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động…

“Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống …” - ông Nguyễn Duy Kiên cho biết.

Xác nhận thương binh, liệt sĩ

Ngoài ra, Dự thảo Pháp lệnh đã chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến và thời bình.

Cụ thể, Dự thảo đã làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh phù hợp với mức độ cống hiến sẽ được xem xét xác nhận người có công hoặc xem xét tặng huân, huy chương (tùy theo mức độ) và hưởng trợ cấp 1 lần.

Sửa đổi, quy định khi xác nhận liệt sĩ, yêu cầu phải có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát chết.

Dự thảo sửa đổi, mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến theo hướng thay thế khái niệm “trực tiếp phục vụ chiến đấu” bằng “làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”.

 Đồng thời, Dự thảo không xác nhận bệnh binh thời bình, chỉ thực hiện và giải quyết chế độ ưu đãi đối với bệnh binh đã được xác nhận và đang hưởng chế độ.

Ngoài ra, khái niệm “người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học” sẽ được sửa thành “Người hoạt động kháng chiến mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học/dioxin” cho phù hợp với điều kiện thực tế hơn.

Được biết, cả nước hiện có khoảng 9 triệu người có công, trong đó 9 triệu đối tượng người có công với cách mạng, trong số đó có hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 117.000 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và có gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hơn 310.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

 
 

Hoàng Mạnh