Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt..."

(Dân trí) - “Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ nơi quê hương đất mẹ. Chúng ta cũng chưa thể yên lòng khi nhiều người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước" - ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chia sẻ.

Sáng 22/7, tại Tỉnh ủy Vĩnh Long, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ.

Tới dự buổi Lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ trong dịp 27/7. Tại buổi lễ được tổ chức sáng 22/7 tại TP Vĩnh Long, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trao đại diện 72 bằng Tổ quốc ghi công trong số 468 bằng Tổ quốc ghi công nói trên.

Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình thương bInh liệt sĩ sáng 22/7 tại TP Vĩnh Long.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ

Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện, đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn".

Bên cạnh đó, việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ ngày càng được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 2

Bộ trưởng Bộ LĐTB và XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình, thân nhật liệt sĩ

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng bày tỏ nỗi day dứt khi một bộ phận gia đình người có công còn gặp khó khăn dù chiến tranh đã lùi xa.

"Nhiều đồng chí thương binh hàng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhiều gia đình liệt sĩ còn đau đáu vì chưa tìm được hài cốt của con, em mình đã hy sinh. Nhiều liệt sĩ còn chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ với đồng đội với quê hương đất mẹ. Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH trăn trở.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 3

Ông Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập Báo Dân trí (thứ 2 hàng đầu, từ phải sang) cùng các đại biểu đến dự Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, qua 3 năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét thêm 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh - những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 4

Nhiều người thân, gia đình người có công được nhận bằng Tổ quốc ghi công lần này rất vui mừng và xúc động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong số 468 liệt sĩ được công nhận trong dịp 27/7, có 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người hy sinh cách đây lâu nhất là cụ Nguyễn Văn Trượng hy sinh năm 1940 trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù.

Quy trình xác nhận đã được các cấp, ngành tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

“Kết quả hôm nay là hành động thiết thực, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người thực hiện công tác thương binh liệt sĩ  đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh - thương binh, cán bộ tù đày.. ở TP Vĩnh Long

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết: Những kết quả đạt được chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện chính sách đối với người có công nói chung và giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn.

Thay mặt những gia đình liệt sĩ tới dự chương trình, ông Nguyễn Minh Chuyên - thân nhân của liệt sĩ - cho biết, do chiến tranh đã lùi vào quá khứ, không ít trường hợp người có công chưa được phát hiện giải quyết, việc thực hiện chính sách đối với họ hết sức khó khăn.

Dù nhân chứng vật chứng không còn nhưng ngành LĐ-TB&XH cùng các cấp chính quyền đã tích cực vào cuộc giải quyết tồn đọng, hướng dẫn xác lập hồ sơ, đúng đối tượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không yên lòng khi nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt... - 6

Ông Nguyễn Minh Chuyên - thân nhân của liệt sĩ tới dự Lê trao bằng Tổ quốc ghi công cho cha đẻ.

“Trường hợp bố của chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của Cục người có công (Bộ LĐ-TB&XH). Sau 68 năm hy sinh, bố tôi đã được xác nhận danh phận là liệt sĩ. Trước sự kiện thiêng liêng này, gia đình chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi” - ông Chuyên xúc động nói.

Nỗ lực bền bỉ

Phát biểu tại buổi trao bằng Tổ quốc ghi công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Đây là kết quả đáng biểu dương của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan, địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân trong quá trình xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, là việc làm thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc và nhân văn. Đây chính là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, của các thế hệ người Việt Nam hiện nay đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Nhóm PV Cần Thơ